Phân tích 13 câu đầu bài thơ “Vội vàng” (2)

Việt Nam / Lớp 11 » Xuân Diệu » Vội vàng

Chưa có đánh giá nào
Xuân đến, xuân đi, xuân lại về. Hoa tàn rồi hoa lại nở... Nhưng quy luật tuần hoàn ấy chỉ đúng với với cỏ cây, với đất trời chứ không thể làm đời người trẻ lại khi đã già nua. Bởi thế, Xuân Diệu – “một nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới nhất của các nhà thơ mới” với tinh thần yêu cuộc sống thiết tha, mãnh liệt đã phải vội vàng cất lên những khát khao chảy bỏng của lòng mình:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
(Trích Vội vàng – Xuân Diệu)
13 câu thơ trên được trích từ bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu thể hiện niềm khắc khoải, băn khoăn khi cuộc sống cứ dần trôi mà không quay trở lại. Đúng như cái tên, nhà thơ “vội vàng” sống, “vội vàng” hưởng thụ, và cũng “vội vàng” tiếc nuối khi không thể níu giữ được thời gian.

Từng câu từng chữ tưởng chừng như nằm bất động trên trang giấy nhưng lại ẩn chứa biết bao nhiêu cảm xúc của hồn thơ Xuân Diệu. Ông táo bạo, chẳng ngại ngần khi thể hiện những ước muốn trái ngược của mình: “tắt nắng”, “buộc gió” “cho màu đừng nhạt mất”, “cho hương đừng bay đi”. Càng hiểu rõ quy luật tuần hoàn của tự nhiên, ông càng khắc khoải, băn khoăn. Với cách nói trực tiếp “tôi muốn”, nhà thơ đã thể hiện cái tôi nhỏ bé của mình giữa cả thế giới thiên nhiên bao la. Ông không những muốn chạy đua với thời gian mà còn muốn chạy vượt cả thời gian, muốn phá tan cả quy luật vĩnh hằng của tự nhiên. Biết điều đó là không thể làm được, nên Xuân Diệu lại vội vàng thưởng thức những nhựa sống đang tràn trề trước mắt: ong bướm, hoa cỏ, yến anh...Ông không muốn bỏ xót bất kỳ một thứ gì vì tuổi xuân sẽ nhanh chóng qua đi mặc cho lòng người tiếc nuối. Với điệp từ “này đây”, dường như Xuân Diệu muốn hoà mình một cách trọn vẹn nhất vào thiên nhiên, muốn ôm cả đất trời để ngấu nghiến, để thưởng thức như một món ăn khoái khẩu ngon lành.

Đặc biệt, khi dòng cảm xúc mãnh liệt lên đến cao trào, ta bắt gặp một hình ảnh rất độc đáo, mới lạ:
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
“Tháng giêng” là thời gian, là cái vô hình nhưng dưới ngòi bút tài ba của Xuân Diệu, cái vô hình ấy lại được so sánh với cái cụ thể: “cặp môi”. Tác giả đã cố tình nhấn mạnh “cặp môi gần” với tính từ “ngon” khiến người đọc liên tưởng đến sự thiết tha, mặn nồng, trẻ trung của tình yêu đôi lứa. Qua đó thể hiện tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên cũng đang cháy bỏng trong trái tim nhà thơ. Càng yêu bao nhiêu, nhà thơ lại càng lo sợ, cuống quýt bấy nhiêu:
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân
Lại một lần nữa, ông muốn chạy trước thời gian, muốn sống không bỏ xót một phút giây nào. Nhịp thơ bỗng dưng bị ngắt quãng nửa chừng như niềm khắc khoải đang nấc lên từng tiếng trong lòng ông. Ông sẽ “không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.

Bài thơ chưa khép lại nhưng chỉ qua 13 câu đầu thôi cũng đủ để thấy trái tim nhà thơ yêu cuộc sống mạnh liệt đến nhường nào. Qua mỗi hình ảnh, mỗi câu thơ độc đáo cùng dòng cảm xúc dạt dào tuôn chảy, người đọc cũng như đang được mời gọi hãy sống và tận hưởng, hãy cố gắng làm tất cả những gì mình muốn làm và có thể làm để không phí hoài tuổi xuân.