Nhà thơ Thanh Thảo: Không nghĩ Đàn ghi-ta của Lorca được vào SGK

Việt Nam / Lớp 12 » Thanh Thảo » Đàn ghi ta của Lor-ca

Chưa có đánh giá nào
Bắt đầu từ năm học 2008-2009, bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca của nhà thơ Thanh Thảo chính thức được đưa vào chương trình SGK Ngữ văn lớp 12. Đây là một tác phẩm mới, được (bị) đánh giá là một trong những văn bản “2 khó”: khó học và khó dạy. Dẫu vậy, những câu thơ đẫm chất suy tưởng và siêu thực, ngập tràn phức điệu của hình ảnh và âm nhạc trong Đàn ghi-ta của Lorca vẫn cuốn hút, ám ảnh người đọc một cách lạ thường...

* Ám ảnh Lor-ca và bài thơ được viết trong vô thức

Với Thanh Thảo, Đàn ghi-ta của Lorca là khoảnh khắc bắt đầu từ những ám ảnh. Ông nhớ lại: “Trong một ngày của năm 1979, tại Trại sáng tác Quân khu V - Đà Nẵng, vào thời điểm trại này sắp giải tán, tôi với Ngô Thế Oanh (nhà thơ) và Trần Phương Kỳ (nhà nghiên cứu nghệ thuật Chàm, nhà dịch thuật) ngồi rỗi việc bèn đưa thơ Pablo Neruda và thơ Lorca ra dịch, từ bản tiếng Anh. Tôi và Ngô Thế Oanh lúc ấy chưa biết nhiều tiếng Anh, chỉ Trần Phương Kỳ là giỏi. Kỳ dịch là chính, chúng tôi chỉ...phụ hoạ.

Sau khi Trần Phương Kỳ dịch rất hay trường ca “Trên đỉnh Macchu Picchu” của Neruda, chúng tôi xúm lại với mấy bài thơ của Lorca, trong đó có “Bài ca mộng du” và bài thơ dài “Bi ca cho Ignacia Sanches Mejias”. Lúc ấy, những bài thơ Lorca qua bản dịch Hoàng Hưng mà tôi đã chép trong sổ tay và mang theo trong ba lô ra chiến trường những năm trước đó bỗng ùa vào tâm trí tôi. Thực ra, Lorca đã sống trong tôi từ những năm 1969-1970 qua bản dịch chép tay mà chúng tôi truyền cho nhau.

Và tôi đã viết “Đàn ghi-ta của Lorca” trong cái ngày của năm 1979 ấy. Bài thơ được viết rất nhanh, và gần như không sửa chữa gì thêm. Tôi đã đọc cho Ngô Thế Oanh và Trần Phương Kỳ nghe, và nhận được sự đồng cảm ngay lập tức. Trần Phương Kỳ còn là cây ghi-ta cổ điển có hạng, anh đã nhận ra ngay nhạc điệu của bài thơ này, kể cả đoạn “tremolo” lila lila lila trong bài. Chỉ vậy thôi.

Bài thơ ấy tiếp tục nằm trong sổ tay của tôi cho tới năm 1985, khi tôi in tập thơ “Khối vuông ru-bích”, nó mới được xuất hiện lần đầu.

Thực ra, với người làm thơ, mà làm cũng không ít như tôi, thì khó nói mình yêu thích “đứa con” nào của mình hơn. Nhưng với tôi, Lorca luôn là một ám ảnh. Và bài thơ Đàn ghi ta của Lorca tôi viết cốt giải toả phần nào ám ảnh ấy. Tôi cũng không hiểu mình tâm đắc cái gì nhất từ bài thơ này. Có thể là số phận bi thảm của Lorca nói riêng, của thơ ca nói chung chăng? Có thể là cái “tiếng đàn bọt nước” lúc hiện lúc tan như sự tự huỷ và tái sinh liên tục của Thơ chăng? Hay là khát vọng tự do mà tôi đã cảm nhận được qua thi ca của ông? Tôi không dám nói chắc cái gì, chỉ biết, tôi viết bài thơ trong trạng thái không nghĩ ngợi gì, một trạng thái mà vô thức chiếm lĩnh tôi trọn vẹn...”. Cả bài thơ bật lên nhờ một câu thơ của Lorca dẫn dắt: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”.

* Cần đính chính một chú thích từ SGK

Bắt đầu từ năm học 2008-2009, bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca của nhà thơ Thanh Thảo chính thức được đưa vào chương trình SGK Ngữ văn lớp 12. Nhà thơ Thanh Thảo cho biết:
Một chú thích trong SGK nói rằng câu thơ “giọt nước mắt vầng trăng/long lanh trong đáy giếng” trong bài thơ của tôi có liên hệ tới việc Lorca bị giết và bị bọn phát xít quăng xác trong một cái giếng hoang(?). Thực ra, cho tới bây giờ, người ta vẫn không thể tìm được hài cốt Lorca, và không biết được xác ông đã bị vùi chôn ở đâu. Nói như người mình vẫn nói, thì ngay tới một cái “mộ gió” Lorca cũng không có. Tấm bia và mộ phần của Lorca trong nghĩa trang bây giờ chỉ đơn thuần mang tính tưởng niệm. Vì thế, không thể nói câu thơ của tôi nhằm vào một sự kiện cụ thể nào, vì nếu biết Lorca bị giết và quăng xác xuống giếng, người ta đã tìm ra được hài cốt của ông.
Tôi nghĩ, giáo viên và học sinh có lẽ không chỉ cần biết sự thật này, mà cái chính, là tìm được sự đồng cảm với số phận và thơ của Lorca, sự ngưỡng mộ và yêu mến thơ Lorca mà bài thơ của tôi chỉ là một gợi ý nhỏ, một “chút men” gây cảm hứng nào đó...
Chính tác giả bài thơ cũng không nghĩ rằng nó lại được chọn in trong SGK bởi theo nhà thơ Thanh Thảo, thơ ông thường “đi bên lề” các quy ước thông thường, nó được viết một cách ngẫu hứng, nhằm giải toả cho chính tác giả hơn là định hướng hay dẫn dắt ai. Và như ông nói, “Tôi chỉ muốn mọi người tiếp nhận nó như một bài thơ. Những gì bài thơ muốn nói, đã nói bằng ngôn ngữ, bằng nhịp điệu, bằng nhạc tính trong toàn bộ cấu trúc bài thơ. Có thể thấy phần nào số phận Lorca, số phận của thơ ông qua bài thơ ấy. Tôi đã yêu thương, ngưỡng mộ, đồng cảm với Lorca, và tôi muốn chia sẻ những điều ấy với mọi người. Nếu các em học sinh bây giờ yêu thích nhạc flamenco, thì việc các em tiếp cận với thơ Lorca sẽ mang lại cho các em nhiều cảm xúc, cảm hứng hơn. Với các thầy cô giáo dạy văn lớp 12, tôi chỉ mong nhận được sự đồng cảm qua bài thơ này. Riêng tôi nghĩ, bài thơ sẽ không khó nếu chúng ta tiếp cận được với thơ Lorca, chúng ta yêu thơ Lorca, và chúng ta truyền được cho học sinh của mình khát vọng tự do và dân chủ. “Thơ là dành cho tất cả mọi người” như Paul Eluard đã nói.
Nguồn: Báo Thể thao & Văn hoá, 2009