Nguyễn Trường Tộ 阮長祚

Việt Nam / Lớp 11

Tác phẩm

Tác giả

Nguyễn Trường Tộ 阮長祚 (1828-1871) người làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, theo đạo Thiên Chúa, học chữ Hán rồi được giám mục Gauthier dạy chữ Pháp, đưa sang Pháp học ở Paris và ở Italia. Năm 1868, về nước dâng nhiều bản điều trần về cải cách xã hội, giáo dục, chính trị, ngoại giao nhưng không được nhà Nguyễn áp dụng. Chủ trương hoà hoãn với Pháp để phát triển đất nước.

Ông sinh trong một gia đình theo Công giáo Rôma từ nhiều đời tại làng Bùi Chu, thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cha là Nguyễn Quốc Thư, một thầy thuốc Đông y, nhưng mất sớm. Thuở thiếu thời, Nguyễn Trường Tộ học chữ Hán với cha và các thầy ở trong vùng: Tú Giai ở Bùi Ngoã, Cống Hữu ở Kim Khê và quan huyện Địa Linh về hưu ở Tân Lộc. Ông thông minh, học giỏi, nên được truyền tụng là “Trạng Tộ”. Thế nhưng, ông không đỗ đạt gì, có thể vì ông là người Công giáo nên không được đi thi, hoặc là ông không muốn đi theo con đường khoa cử.

Sau khi thôi học, ông mở trường dạy chữ Hán tại nhà, rồi được mời dạy chữ Hán trong Nhà chung Xã Đoài (nay thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Tại đây, ông được Giám mục người Pháp tên là Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu, về Xã Đoài nhận nhiệm vụ từ năm 1846) dạy cho học tiếng Pháp và giúp cho có một số hiểu biết về các môn khoa học thường thức của phương Tây.

Cuối năm 1858, ông đi cùng Giám mục Gauthier vào Đà Nẵng tránh nạn “phân tháp” (sáp nhập hai ba gia đình Công giáo vào trong một làng không Công giáo, chứ không cho ở tập trung như trước). Đầu năm 1859, Giám mục Gauthier đưa ông sang Hương Cảng (Hồng Kông) và một số nơi khác... Đầu tháng 2 năm 1861, sau khi chiến tranh ở Ý và ở Trung Quốc kết thúc, Đô đốc Léonard Charner được lệnh gom quân ở Trung Quốc đem về Sài Gòn mở rộng vùng chiếm đóng. Với quyết tâm này, Charner đã thuyết phục được một số giáo sĩ Pháp đang lánh nạn ở Hồng Kông, trong số đó có Giám mục Gauthier, về Sài Gòn cộng tác. Nhận lời, Giám mục Gauthier dẫn Nguyễn Trường Tộ cùng về với mình. Sau đó, ông Tộ nhận làm “từ dịch” (phiên dịch các tài liệu chữ Hán) cho thực dân Pháp.

Trong bài “Trần tình” (viết xong ngày 7 tháng 5 năm 1863), Nguyễn Trường Tộ phân trần rằng: lúc bắt đầu khởi hấn (đầu năm 1859, tức lúc quân Pháp chuẩn bị tấn công thành Gia Định), quân Pháp có mời ông cộng tác, nhưng ông một mực từ chối. Sau khi Đại đồn Chí Hoà thất thủ (tháng 2 năm 1861), ông thấy rằng phải tạm hoà theo đề nghị của Pháp, để dưỡng quân và củng cố lực lượng. Chính vì thế mà Nguyễn Trường Tộ đã nhận làm từ dịch cho Pháp để mong góp phần vào việc hoà đàm...

Ngày 29 tháng 11 năm 1861, Đô đốc Louis-Adolphe Bonard lên thay Đô đốc Léonard Charner, và ông này liền xua quân mở rộng cuộc chiến. Thấy vậy, Nguyễn Trường Tộ không trông mong gì ở cuộc “nghị hoà” nên xin thôi việc. Sau khi thôi việc, Nguyễn Trường Tộ đã dồn hết tâm trí vào việc thảo kế hoạch giúp nước. Nhờ sự hiểu biết sâu rộng về các phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật...; đến đầu tháng 5 năm 1863, thì ông đã thảo xong ba bản điều trần gửi lên Triều đình Huế là: Tế cấp luận, Giáo môn luậnThiên hạ phân hợp đại thế luận.

Trong thời gian phái bộ Phan Thanh Giản ở Pháp về Sài Gòn chờ tàu để đi Huế (từ ngày 18 đến 24 tháng 3 năm 1864), ông đã đến tiếp xúc với các chánh phó sứ để thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Sau đó, ông viết Lục lợi từ (còn có tên Dụ tài tế cấp bẩm từ, tháng 6 năm 1864) rồi gửi lên Triều đình, nhưng sau đó cũng không được phúc đáp. Trong quãng thời gian đó, năm 1862-1864, bằng sự hiểu biết của mình, ông đã thiết kế và chỉ đạo việc xây cất tu viện Dòng Thánh Phaolô Sài Gòn (nay ở số 4 đường Tôn Đức Thắng). Đây là một công trình kiến trúc theo kiểu châu Âu có quy mô và có giá trị bền vững cho đến tận ngày nay.

Thành công ấy đã làm cho tiếng tăm Nguyễn Trường Tộ lan rộng. Khoảng năm 1864, ông được người Anh mời sang dự một hội nghị khoa học ở Anh, nhưng chưa đi thì đã bị thực dân Pháp ngăn trở, có lẽ vì họ không muốn ông liên lạc với người Anh.

Khoảng cuối năm 1864 cho đến đầu năm 1865, Nguyễn Trường Tộ đã gửi liên tiếp ba bản điều trần cho đại thần Trần Tiễn Thành, và hai bản điều trần cho đại thần Phạm Phú Thứ, để nhờ đưa các vấn đề quan trọng lên vua và Triều đình. Hai văn bản gửi cho ông Thứ, vì chưa tìm thấy nên không rõ nội dung. Còn ba văn bản gởi cho ông Thành, thì có thể là các bài: Góp ý về việc mua và đóng thuyền máy (cuối 1864), Góp ý về việc đào tạo người điều khiển và sửa chữa thuyền máy (tháng 2 năm 1865) và “Khai hoang từ” (tháng 2, 1866).

Sau đó, Nguyễn Trường Tộ được triệu ra Huế để giải quyết vụ tàu London. Về vụ việc này, sách Đại Nam thực lục kể đại ý như sau: "Trước đây, Hoàng Văn Xưởng đi Hương Cảng có đặt mua tàu London. Không ngờ bị Phô Na (chủ hãng tàu) lừa dối, tàu đã cũ nát, chưa đi tới nơi thì đã bị sóng gió làm hư hại. Sau khi sửa chữa ở Gia Định, họ đưa tàu đến cửa Thuận An (Huế) bắt phải mua. Nhưng sau khi đệ trình lên cách giải quyết, thì không được thi hành nên ông có lẽ chán nản, và xin về Nghệ An (ngày 10 tháng 4 năm 1866). Trong bức thư gửi Trần Tiễn Thành (viết từ Nghệ An đề ngày 15 tháng 6 năm 1866), thì tâm trạng của ông lúc bấy giờ khá u uất. Một phần vì ông nóng lòng việc canh tân đất nước, một phần vì thấy vua và một số quan lại bảo thủ hãy còn nghi kỵ mình...

Mặc dù vậy, Nguyễn Trường Tộ vẫn không nản chí. Về tới Nghệ An, việc đầu tiên ông làm là viết thư cho Triều đình để báo tin về việc Giám mục Gauthier nhận lời đi Pháp để mua các thứ cần thiết về mở trường kỹ thuật ở Huế. Sau đó, ông được lệnh đi cùng Giám mục Gauthier ra Huế để chuẩn bị đi Pháp. Khi ấy là giữa tháng 8 năm 1866. Ngày 17 tháng 8 năm 1866, Nguyễn Trường Tộ cùng với Giám mục Gauthier và Linh mục Nguyễn Điều tới Huế. Lần này, Nguyễn Trường Tộ được vua Tự Đức tiếp kiến ở nhà Tả Vu trong Tử Cấm thành (Huế), được hỏi han nhiều điều, và được nhà vua nghe theo.

Ngày 15 tháng 9 năm đó, phái đoàn Giám mục Gauthier và Nguyễn Trường Tộ đi tàu của nhà vua vào Sài Gòn, và ở đó chờ tàu. Trong thời gian lưu lại, hai ông đã có những cuộc tiếp xúc với Đô đốc Lagrandière và Lãnh sự Tây Ban Nha để nắm tình hình theo yêu cầu của Triều đình. Sau đó, Nguyễn Trường Tộ đã có sáu bản báo cáo gởi về Huế. Qua các văn bản này, ông trình bày cho Triều đình thấy là có một khác nhau giữa ý đồ của Pháp soái (tức Đô đốc Lagrandière) ở Sài Gòn và chính sách của chính phủ ở Pháp. Pháp soái thì muốn bằng mọi cách thôn tính hoàn toàn sáu tỉnh Nam Kỳ và áp đặt trên phần đất còn lại của Việt Nam một hiệp ước bảo hộ; trong khi ấy ở chính quốc, thì có nhiều dư luận chống đối các cuộc phiêu lưu quân sự ở các vùng đất xa xôi...

Ngày 10 tháng 1 năm 1867, phái đoàn đáp tàu L’orne đi Pháp. Trong 8 tháng ở đây, họ đã mua sách vở, dụng cụ, máy móc...để lập trường học kỹ thuật ở Huế. Ngoài ra, Giám mục Gauthier cũng đã tới Bộ Ngoại giao Pháp, Bộ Hàng hải và Thuộc địa Pháp để xin tài trợ cho các chương trình của mình; đồng thời tiếp xúc với một số thương gia và kỹ nghệ gia người Pháp. Ngày 25 tháng 11 năm 1867, phái đoàn trở về Việt Nam. Theo Linh mục Trương Bá Cần (tác giả sách Nguyễn Trường Tộ: Con người và di thảo), thì có lẽ Nguyễn Trường Tộ đã theo Giám mục Gauthier sang Rôma (Ý), rồi được vào chầu Giáo hoàng Piô IX nhân chuyến đi này.

Ngày 29 tháng 2 năm 1868, phái đoàn Giám mục Gauthier và Nguyễn Trường Tộ về tới Huế. Cùng theo về còn có hai Linh mục, một giáo dân (bác sĩ Hemaiz5) và một người thợ máy (tất cả đều là người Pháp, và đều do Giám mục Gauthier vận động được). Sau khi xem xét các thứ mua về cho trường học và các thứ mà Bộ Hàng hải Pháp gửi tặng, vua Tự Đức cho phép Giám mục Sohier được xây trường học kỹ thuật trên mảnh đất đã đề nghị (nằm giữa nhà thờ Kim Long và Toà Giám mục Huế).... Theo tờ tấu của Viện Cơ mật đề ngày 4 tháng 3 năm 1868, thì sau đó các thành viên trong đoàn đều được nhà vua ban thưởng tiền và lụa...

Đi Pháp về, trong thời gian từ cuối tháng 2 cho tới cuối tháng 4 năm 1868, Nguyễn Trường Tộ đã gởi cho Triều đình, ít nhất là 9 văn bản. Ngoài văn bản đầu tiên (sau khi về tới Huế), còn nói về việc mở trường và phát triển đất nước, hầu hết các văn bản khác đều xoay chung quanh vấn đề sứ bộ đi Pháp. Bởi Triều đình vua Tự Đức lúc bấy giờ chỉ quan tâm tới việc làm sao lấy lại được 6 tỉnh Nam Kỳ đã mất vào tay Pháp. Sau những cuộc thương thuyết không thành công giữa Trần Tiễn Thành và Đô đốc Lagrandière tại Sài Gòn cuối tháng 1 năm 1868, vua Tự Đức nhất định cử một phái bộ sang Pháp để điều đình với chính phủ Pháp. Đối với vấn đề quan trọng này, quan điểm trước sau như một của Nguyễn Trường Tộ là phải tự lực tự cường để lấy lại phần đất đã mất, chứ không thể van xin nài nỉ. Tuy nhiên, ông vẫn sẵn sàng đi theo sứ bộ và đã có những kiến nghị rất cụ thể cho chuyến đi.

Khoảng giữa tháng 3 năm 1868, Nguyễn Trường Tộ được cấp phát ngựa và chi phí về Nghệ An thăm mẹ già trước lúc lên đường sang Pháp. Tuy nhiên, sau khi trở lại Huế, ông đổi ý, kiến nghị với Triều đình là không nên sai sứ bộ sang Pháp điều đình mà chỉ nên gởi sứ bộ vào Sài Gòn thương thuyết. Việc đi Pháp vì thế phải đình hoãn không thời hạn. Ngày 18 tháng 4 năm 1868, Bộ Lễ lại cấp phép cho Nguyễn Trường Tộ trở về Nghệ An. Trước đó, ngày 7 tháng 4 năm 1868, Giám mục Gauthier cũng đã lên đường trở về Xã Đoài vì thấy việc mở trường kỹ thuật không được nói tới nữa. Về lại Nghệ An, Nguyễn Trường Tộ bắt tay vào việc vận động dân vùng Xuân Mỹ (Nghệ An) thường xuyên bị úng lụt đến nơi ở mới, đồng thời xây cất Nhà Chung Xã Đoài. Trong những năm này, ông vẫn đều đặn gửi lên triều đình Huế các bản điều trần về thời sự.

Tháng 10 (âm lịch) năm Tự Đức thứ 23 (1870), Nguyễn Trường Tộ gửi thư lên Triều đình đề nghị lập lãnh sự ở Sài Gòn và sứ quán ở Pháp để nắm tình hình. Đầu tháng 11 năm đó, ông lại xin được vào Nam tổ chức đánh úp quân Pháp để thu hồi 6 tỉnh Nam Kỳ, nhân lúc Pháp đang thua Phổ (Đức) và Cách mạng Pháp đang nổi dậy. Đầu năm 1871, ông nhận được lệnh cấp tốc ra Huế với lý do “đưa học sinh đi Pháp”, nhưng kỳ thực là để bàn bạc với vua Tự Đức về phương lược quân sự và ngoại giao mà ông đã trình bày trong các văn bản gởi cho Triều đình cuối năm 1870. Nhưng Triều đình Huế bàn đi tính lại mà không đi đến được một quyết định nào: Sứ bộ không được cử đi các nước, kế hoạch đánh úp Pháp để thu hồi 6 tỉnh ở Nam Kỳ cũng không được thực hiện...

Sau mấy tháng ở Huế, có thể là vì không có việc gì để làm, hoặc có thể vì bệnh cũ tái phát, Nguyễn Trường Tộ đã xin phép trở về Xã Đoài (Nghệ An). Giữa năm ấy, ông về lại Xã Đoài, và đến ngày 22 tháng 11 năm 1871 thì đột ngột từ trần. Lúc ấy, ông chỉ mới 41 tuổi. Sau khi qua đời, di hài của ông được an táng tại thôn Bùi Chu (nay ở xóm 1, làng Bùi Chu, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Ban đầu, phần mộ ông chỉ là một nấm mộ đất thấp, tại một bãi đá mài bên sông của làng Bùi Chu. Sau được cải táng về phía tây, trên một gò đất cao giữa khu đất bằng phẳng, gần đường chính, cách vị trí mộ cũ khoảng 300 m. Năm 1943, giáo sư Từ Ngọc Nguyễn Lân đã đứng ra tổ chức, kêu gọi các cá nhân, tổ chức đóng góp công của để xây dựng lăng mộ cho Nguyễn Trường Tộ. Bản thân giáo sư Nguyễn Lân đã gửi số tiền 133 đồng cho linh mục địa phận Xã Đoài là Laygue để xây lại mộ Nguyễn Trường Tộ. Trong đó bao gồm 110 đồng là tiền bán 900 quyển Nguyễn Trường Tộ của ông, còn 23 đồng là tiền của những người bạn của giáo sư đóng góp vào. Nhờ đó ngôi mộ của Nguyễn Trường Tộ được xây lại bằng đá cẩm thạch Thanh Hoá cùng với những hoạ tiết tương đối hoàn chỉnh. Ngày 21 tháng 1 năm 1992, Bộ Văn hoá đã xếp hạng di tích cấp quốc gia. Năm 1996 huyện Hưng Nguyên đã đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp khu di tích với diện tích 1062m², gồm 2 phần: phần mộ và phần vườn mộ, xung quanh được xây hàng rào bảo vệ, bên trong trồng hoa và cây cảnh, trở thành khu lăng mộ hoàn chỉnh.