Một số thể loại văn học: thơ, truyện

Lớp 11

33.33

Văn mẫu

Nội dung

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

– Hiểu khái quát đặc điểm một số thể loại văn học: thơ, truyện.
– Vận dụng những hiểu biết đó vào việc đọc văn.

Hình thức tổ chức tác phẩm văn học được xác định trong loại (loại hình, chủng loại) và thể(thể tài, thể loại, kiểu, dạng). Loại là phương thức tồn tại chung; thêm sự hiện thực hoá của loại. Phần lớn các nhà nghiên cứu đều tán thành phân các tác phẩm văn học làm ba loại lớn: trữ tình (lấy cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng con người làm đối tượng thể hiện chủ yếu), tự sự (dùng lời kể, lời miêu tả để xây dựng cốt truyện, khắc hoạ tính cách nhân vật, dựng lên những bức tranh về đời sống) và kịch (thông qua lời thoại và hành động của các nhân vật mà tái hiện những xung đột xã hội). Loại trữ tình có các thể: thơ ca, khúc ngâm,... Loại tự sự có các thể: truyện, kí,... Loại kịch có các thể: chính kịch, bi kịch, hài kịch,... Bên cạnh đó còn có thể loại khác như nghị luận.

Dưới đây ta đi vào tìm hiểu thơ, truyện, kịch, nghị luận – những thể loại văn học gần gũi thường gặp.

I. THƠ

1. Khái lược về thơ

Thơ là một thể loại văn học có phạm vi phổ biến rộng và sâu. Thơ tác động đến người đọc bằng sự nhận thức cuộc sống, những liên tưởng, tưởng tượng phong phú, nhưng cái cốt lõi của thơ là trữ tình. Thơ ca bao giờ cũng là tấm gương của tâm hồn, là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời. Lê Quý Đôn khẳng định: “Thơ phát khởi từ trong lòng người ta”. Người ta ở đây là bản thân nhà thơ với tư cách một cái tôi trữ tình, hoặc là nhân vật trữ tình nào đó, và cũng có thể là người đọc thơ.

Thơ chú trọng đến cái đẹp, phần thi vị của tâm hồn con người và cuộc sống khách quan. Vẻ đẹp và tính chất gợi cảm, truyền cảm của thơ có được còn do ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh và nhạc điệu. Sự phân dòng và hiệp vần của lời thơ, cách ngắt nhịp, sử dụng thanh điệu,... làm tăng sức âm vang và lan toả, thấm sâu của ý thơ.

Phân loại thơ theo nội dung biểu hiện có thơ trữ tình (đi sâu vào tâm tư, tình cảm, những chiêm nghiệm của con người về cuộc đời, như bài Tự tình của Hồ Xuân Hương), thơ tự sự (cảm nghĩ vận động theo mạch kể chuyện, như bài Hầu Trời của Tản Đà), thơ trào phúng (phủ nhận những điều xấu bằng lối viết đùa cợt mỉa mai, khôi hài, như bài Vịnh khoa thi Hương của Tú Xương). Theo cách thức tổ chức bài thơ có thơ cách luật (viết theo luật đã định trước, như thơ Đường luật lục bát, song thất lục bát,...), thơ tự do (không theo luận, thơ văn xuôi (câu thơ gần như câu văn xuôi nhưng vẫn có nhịp điệu).

Thơ là thể loại ra đời rất sớm. Những bài hát trong lao động của người nguyên thuỷ được xem là những hình thức đầu tiên của thơ ca. Trước Công nguyên, ở Trung Quốc, từ thơ ca dân gian, Khổng Tử đã san định Kinh Thi. Trong văn học Việt Nam, từ trung đại, cận đại cho đến hiện đại, thơ là thể loại có nhiều thành tựu nhất. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính,... đã để lại nhiều áng thơ hay.

2. Yêu cầu về đọc thơ

– Cần biết rõ tên bài thơ, tập thơ, tên tác giả, năm xuất bản, tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác bài thơ. Có thể xem sách giáo khoa, các loại sách tham khảo để có những hiểu biết ban đầu này.

– Đọc kĩ bài thơ, cảm nhận ý thơ qua câu chữ, hình ảnh, nhịp điệu. Ý thơ ở đây là cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng, những sự việc, cảnh vật,... Đồng cảm với nhà thơ, dùng liên tưởng, tưởng tượng, phân tích khả năng biểu hiện của từng từ ngữ, chi tiết vần điệu,... mới cảm nhận được ý thơ, thấu hiểu hình tượng thơ, cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình.

– Từ những câu thơ đẹp, lời thơ lạ, ý thơ hay, từ hình tượng thơ, cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình, hãy lùi xa và nhìn lại để lí giải, đánh giá toàn bài thơ cả về hai phương diện nghệ thuật và nội dung. Bài thơ có nét gì độc đáo, sáng tạo trong hình thức biểu hiện? Tứ thơ, cảm hứng, tư tưởng bài thơ có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống và con người? Cần nhớ: “Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim” (Đuy Be–lây) và con đường ngắn nhất để đến đích của người đọc thơ là: “Đi từ trái tim để đến với trái tim” (Plê–kha–nốp).

II. TRUYỆN

1. Khái lược về truyện

Khác với thơ ca in đậm dấu ấn chủ quan, truyện phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó, qua con người, hành vi, sự kiện được miêu tả và kể lại bởi một người kể chuyện (trần thuật) nào đó. Ở đây cốtt truyện với một chuỗi các tình tiết, sự kiện, biến cố xảy ra liên tiếp tạo nên sự vận động của hiện thực được phản ánh, góp phần khắc hoạ rõ nét tính cách các nhân vật, số phận từng cá nhân. Nhân vật được miêu tả chi tiết và sinh động trong mối quan hệ chặt chẽ với hoàn cảnh, với môi trường xung quanh. Truyện không bị gò bó về không gian, thời gian, có thể đi sâu vào tâm trạng con người, những cảnh đời cụ thể như Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Chí Phèo của Nam Cao, hay tái hiện những bức tranh đời sống toàn cảnh rộng lớn như Tấn trò đời của Ban–dắc, Chiến tranh và hoà bình của L.Tôn–xtôi.

Truyện sử dụng nhiều hình thức ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ngôn ngữ người kể chuyện, còn có ngôn ngữ nhân vật. Bên cạnh lời đối đáp lại có lời độc thoại nội tâm. Lời kể khi thì ở bên ngoài, khi lại nhập vào lời nhân vật. Ngôn ngữ truyện gần với ngôn ngữ đời sống.

Trong văn học dân gian, truyện có nhiều kiểu loại: thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn. Văn học trung đại có truyện viết bằng chữ Hán (Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ) và truyện thơ Nôm (Truyện Kiều của Nguyễn Du, Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Trong văn học hiện đại, theo quy mô văn bản và dung lượng hiện thực, người ta phân ra truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài. Truyện ngắn thường ít nhân vật, sự kiện, nó hướng tới một vài mảnh nhỏ của cuộc sống, có thể kể về cả cuộc đời hay một đoạn đời, một “chốc lát” của nhân vật, nhưng trong phạm vi hạn hẹp vẫn có thể đặt ra những vấn đề lớn lao, thể hiện những tư tương nhân sinh sâu sắc (Vi hành của Nguyễn ái Quốc, Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân). Truyện vừa là thể loại văn xuôi tự sự cỡ trung bình. Không có sự phân biệt thật rạch ròi giữa truyện vừa và truyện dài (tiểu thuyết). Ta–rát Bun–ba của Gô–gôn, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng dung lượng là truyện vừa nhưng mang đầy đủ những~đặc điểm của tiểu thuyết. Với khả năng phản ánh đời sống một cách toàn vẹn, sinh động, đồng thời đi sâu khám phá số phận cá nhân, sử dụng linh hoạt hư cấu, điển hình hoá, tổng hợp thủ pháp của các thể loại văn học, nghệ thuật khác, mang tính đa dạng về màu sắc thẩm mĩ, tiểu thuyết được coi là “hình thái chủ yếu của nghệ thuật ngôn từ” (Cô–gi–nốp)

2. Yêu cầu về đọc truyện

– Tìm hiểu bối cảnh xã hội, hoàn cảnh sáng tác lớp nội dung và ý nghĩa của truyện.

– Phân tích diễn biến của cốt truyện qua các phần mở đầu, vận động, kết thúc, với các tình tiết, sự kiện, biến cố cụ thể. Làm rõ giá trị của các yếu tố đó trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống và khắc hoạ bản chất, tính cách các nhân vật. Chú ý tới nghệ thuật tự sự: người kể chuyện ở ngôi thứ nhất (người kể xưng tôi hay ở ngôi thứ ba (người kể hàm ẩn); điểm nhìn trần thuật; cách sắp xếp các tình tiết, sự kiện; thủ pháp kể chuyện, miêu tả; giọng điệu lời văn,...

– Phân tích các nhân vật trong dòng lưu chuyển của cốt truyện. Tập hợp thành hệ thống và làm rõ ý nghĩa của các chi tiết miêu tả nhân vật về ngoại hình, hành động, nội tâm, ngôn ngữ. Tìm hiểu mối quan hệ giữa nhân vật này với nhân vật khác, giữa nhân vật với hoàn cảnh xung quanh. Chú ý tới nghệ thuật xây dựng nhân vật: sử dụng chi tiết; tạo tình huống để khám phá bản chất của nhân vật; cách thức miêu tả ngoại hình, hành động, biểu hiện nội tâm,...

– Truyện đặt ra vấn đề gì, có ý nghĩa tư tưởng như thế nào? Cũng có thể xác định giá trị của truyện ở các phương diện: nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ. Cần thấy được truyện không chỉ “tái hiện lịch sử đời sống” mà còn là “hành trình đi tìm con người trong con người” (M. Ba–khtin).

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Loại và thể trong văn học được xác định như thế nào?
2. Hãy nêu đặc trưng của thơ, các kiểu loại thơ và yêu cầu về đọc thơ.
3. Tóm lược đặc trưng của truyện, các kiểu loại truyện và yêu cầu về đọc truyện.

GHI NHỚ
– Thơ tiêu biểu cho loại trữ tình. Thơ thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng con người bằng ngôn ngữ cô đọng, gợi cảm, giàu hình ảnh và nhạc điệu.
– Truyện tiêu biểu cho loại tự sự, thường có cốt truyện nhân vật, lời kể. Truyện có khả năng phản ánh hiện thực cuộc sống rộng lớn, đi sâu vào những mảnh đời cụ thể và cả những diễn biến sâu xa trong tâm hồn con người.

LUYỆN TẬP
1. Nghệ thuật tả cảnh, tả tình và sử dụng ngôn ngữ trong bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến có gì đáng chú ý?
2. Nhận xét về cốt truyện, nhân vật, lời kể trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.