Một chìa khoá để vào bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử

Việt Nam / Lớp 11 » Hàn Mặc Tử » Đây thôn Vĩ Dạ

14.00
Lịch sử văn học rất kỳ lạ. Có những nhà thơ khi nhớ tới là người ta nhớ ngay tới một bài thơ, một bài thơ đã làm nên gương mặt nhà thơ. Mà gương mặt ấy lại “sáng” vào bậc nhất trong số các gương mặt của các nhà thơ cùng thời. Đó là trường hợp Thôi Hiệu của Trung Quốc đã dịch sang ta và Hàn Mặc Tử của Việt Nam. Bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, cái chất thơ cái đẹp, cái tình ta đã hiểu, vì thế nên chúng ta yêu, chúng ta say đã đành. Còn Đây thôn Vĩ Dạ hình như chúng ta chưa hiểu hết vẻ đẹp còn như phong kín chưa ai tìm thấy chìa khoá để “mở được lối vào” ấy thế mà chúng ta vẫn yêu, vẫn say, phải chăng Hàn Mặc Tử đã hai lần thi sĩ, hai lần tài hoa? Phải chăng đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã linh cảm khi Hàn Mặc Tử vừa mất.

“Mai sau, những cái tầm thường mực thước kia sẽ tan biến đi, và còn lại ở thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử.”

Sau một thời gian dài không đưa vào giảng cho các em học sinh, gần đây, chắc vì “cái chất say người” của bài thơ đã khiến cho nhà làm sách giáo khoa không cưỡng nổi, đã phải đem nó vào chương trình của các trường phổ thông mặc dù các nhà làm sách giáo khoa, hình như cũng chưa hiểu về bài thơ lắm: nội cái “khuôn mặt chữ điền” văn lớp 11 cho là “… một loại diện mạo đẹp của những người bản chất tốt phúc hậu… hiền lành thấp thoáng đi về trong các vườn cây, sau rặng trúc ở thôn Vĩ Dạ”. Còn tập làm văn lớp 12 in năm 1995, ông Lê Trí Viễn cho rằng: đó là khuôn mặt của chủ nhân “vườn ai”…

Lại còn câu đầu của bài thơ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” nhiều người trong đó có cả tôi vẫn hiểu như lời của ai trách ai “sao không về?” và có người còn lý giải đó là lời trách của chủ nhân “vườn ai” trách thi sĩ “sao không về chơi?”. Nếu đúng vậy! Thì liền sau đấy ai nhìn thấy “…nắng hàng cau nắng mới lên” và còn:
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Chả nhẽ “nàng”, chủ nhân của “vườn ai” lại tự “quảng cáo” là vườn mình “xanh như ngọc” ư? Không có lý chút nào. Rồi đoạn tiếp với cặp câu thơ:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Quyến rũ đến thế! Nhưng thuyền ở đâu? Sông trăng ở đâu? Bí mật vẫn hoàn toàn bí mật. “Thôn Vĩ Dạ” đẹp nhưng không có lối vào…

Rồi tình cờ một buổi chiều buồn ngồi nhớ tới cái “Thuở xưa ấy” của đời mình, tự nhiên tôi lẩm bẩm: lâu rồi lâu lắm rồi anh không được gặp em. Mà cũng lâu lắm rồi sao anh không về thăm “nơi ấy” quê em! Thế là những kỷ niệm xưa cũ từ bến đò ngang sông Hồng, rồi bóng cây phượng đầu đình tán trùm mát rợp, rồi khuôn mặt thân thương của người con gái tôi quen thuở nào bỗng… vụt hiện trướcc mặt tôi như có thể đụng tới, chạm tới được…

Một sự liên tưởng đã khiến tôi reo lên “chìa khoá” để vào thế giới thơ, để vào “Thôn Vĩ Dạ” đây rồi. Hàn Mặc Tử có thể tự vấn, tự trách mình: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ (quê em) và “Thôn Vĩ Dạ” vụt hiện lên trong “mơ”, cảnh cũng hiện ra như có thể “đụng tới”, chạm tay tới như tôi vừa rồi lắm chứ! Trước mặt thi sĩ “… nắng hàng cau nắng mới lên”. Trong cái nắng mới ấy “vườn ai” đã thu hút hết tâm trí. Trong con mắt của thi sĩ lúc này “vườn ấy” đẹp nhất.

“Vườn ai?” Vườn của nhà người ấy, vườn của… nhà nàng: “mướt quá xanh như ngọc” màu xanh trinh nguyên tới mức thiêng liêng, để người con trai chỉ dám thập thò ở ngoài mà nhìn, mà ngắm, mà chiêm ngưỡng thôi! Phút giây hồn thơ thăng hoa tới tột đỉnh thi sĩ như nhìn thấy chính “mình” đang thâp thò nhìn, ngắm “vườn ai” ngày ấy, qua bờ dậu. Thấy cả mấy cái “lá trúc” đang che ngang “khuôn mặt chữ điền” của mình. Ở ngoài ngắm, chiêm ngưỡng qua bờ dậu “vườn” nhà người ta, ắt sẽ bị mấy cái “lá trúc” cản đi tầm nhìn là đáng lắm chứ. Ôâi câu thơ: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” tài hoa đến vậy chính cái “lá trúc” làm nên cái duyên của câu thơ. Đến bây giờ tôi mới dám chắc rằng: “khuôn mặt chữ điền kia” là khuôn mặt của thi sĩ họ Hàn. Người thi sĩ có “khuôn mặt chữ điền” ấy mới có cái tài nhận ra: “vườn ai mướt quá, xanh như ngọc” xong lại thật thà quá, dát quá không dám vào. Đứng mãi… rồi cũng phải quay ra chứ chả nhẽ…! Khi xoay lưng bước qua một bước “vườn ai” đã ở phía sau, cái cảm giác chia ly tràn ngay đến:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Say đắm… ra về tay không… thất vọng… càng buồn:
Dòng nước buồn thiu hoa bấp lay
Về tay không, cảnh vật trước mặt như không hồn chỉ có cái “hoa bắp” vô tri kia vẫn cứ “lay” như nhịp đập “vô vọng” của trái tim thi sĩ lúc này vẫn đập, vẫn không quên.

Ai cũng biết lẽ đời, cái thủa yêu đương… say cảch chẳng qua vì say người. Nó tới “vườn nhà nàng” chẳng qua là nhằm nói tới “nàng”. Từ cái buổi chiêm ngưỡng “vườn” nói đúng hơn là chiêm ngưỡng “nàng” qua bờ dậu ra về. Trái tim thi sĩ như đã để lại nơi “vườn ai”, ra về với nỗi lòng “vô vọng”. Nhưng tình yêu đau có dễ gì chấp nhận ngay sự “vô vọng” sự thất bại, vì thế, khi kỷ niệm rực cháy, cảnh hiện ra “đủ cả” thậm chí còn đẹp hơn xưa, nhưng thiếu em. Phải chăng vì em chưa phải, em không phải là của anh? Một sự khát khao cháy bổng, khát khao cuốn cuồn tới mức muốn “chiếm đoạt”. Em chỉ là của anh, em phải là của anh! Trong tâm tưởng của thi sĩ vụt hiện lên ở cái khoảng không kia một “dòng sông trăng” một “con thuyền”, như một sự cứu cánh cho thi sĩ.

Chỉ có ánh trăng-dòng sông trăng mới có khả năng chảy đi bất cứ nơi nào tìm “nàng” (em) ở bất cứ nơi đâu và mang “nàng” về cho thi sĩ:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
“Sông trăng” - dòng sông mộng tưởng trong phút giây cháy bổng thi sĩ như sống với nó. Dòng sông, như có “thực”, và câu thơ đầy mộng ấy hay tới mức quyến rũ cả khi người ta chưa hiểu nó.

“Mơ” đến cao độ rồi cũng phải quay về cõi thực dù câu thơ tiêùp sau tuy “còn mơ”:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Nhưng thi sĩ đã phần nào tỉnh ra để nhận thấy:
Áo em trắng quá nhìn không ra
Thông qua “vườn” nói em “… như ngọc” nay thông qua “áo trắng” (áo em trắng quá) để nói em cao sang thì biết anh có với tới được không? Nhất là nơi anh ở xa cách với em đến thế! Với em (vì xa cách) đến hình bóng của anh cũng mờ đi trong sương khói.
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Thi sĩ nghĩ thế! Đoán thế rồi buông tiếng thở dài
Ai biết tình ai có đậm đà?
Yêu ngừơi ta. Nhưng không biết người ta có yêu mình không? Tình yêu đơn phương bao giờ chả dẫn tới buồn khổ, đó là lẻ thường ở đời. Nhưng với Hàn Mặc Tử: “Nỗi buồn khổ” ấy đã được thổi qua hồn mà thành bài thơ tuyệt tác, và “Thôn Vĩ Dạ” nơi có “vườn ai” bổng thành một địa danh bất tử. Như là một thôn làng đẹp nhất trong các thôn làng Việt Nam.
Nguồn: Tác phẩm mới, 1998, số 12 (2027), KHPL: BĐ.04(91)