Luyện tập xây dựng bài văn tự sự - Kể chuyện đời thường

Lớp 6

233.91

Nội dung

1. Cho các đề bài tự sự sau:
a) Kể về một kỉ niệm đáng nhớ (được khen, bị chê, gặp may, gặp rủi, bị hiểu lầm,...).
b) Kể một chuyện vui sinh hoạt (như nhận lầm, nhát gan,...).
c) Kể về người bạn mới quen (do cùng hoạt động văn nghệ, thể thao mà quen, tính tình của bạn,...).
d) Kể về một cuộc gặp gỡ (đi thăm các chú bộ đội, gặp các thiếu niên vượt khó,...).
đ) Kể về những đổi mới ở quê em (có điện, có đường, có trường mới, cây trồng,…).
e) Kể về thầy giáo (cô giáo) của em (người quan tâm, lo lắng và động viên em học tập).
g) Kể về một người thân của em (ông bà, bố mẹ, anh chị,...).

Em hãy tìm thêm một, hai đề văn tự sự cùng loại và ghi vào vở.

2. Theo dõi quá trình thực hiện một đề tự sự sau đây:

Đề bài: “Kể chuyện về ông (hay bà) của em.”

Tìm hiểu đề
Đề yêu cầu kể chuyện đời thường, người thật, việc thật. Yêu cầu kể về ông của em thì nên kể những sự việc thể hiện tính tình, phẩm chất của ông, biểu lộ tình cảm yêu mến, kính trọng của em.

Phương hướng làm bài
Có thể kể những điều em quan sát hoặc nghe thấy. Thoạt đầu giới thiệu chung về ông, cho người đọc biết ông em là người thế nào. tiếp đó là kể một số việc làm, tính nết, tình cảm của ông đối với mọi người trong nhà, hay với em. Không nhất thiết phải xây dựng thành truyện có tình tiết, diễn biến bất ngờ như truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, mà chỉ kể những việc làm, chi tiết cụ thể. Điều cốt yếu là các sự việc, chi tiết phải được lựa chọn để thể hiện tập trung cho một chủ đề nào đó gây ấn tượng, như yêu hoa, thương cháu,... Không được gặp đâu kể đó, nhớ gì ghi nấy làm cho bài văn rời rạc, manh mún, tản mạn.

Dàn bài
a) Mở bài
Giới thiệu chung về ông em.
b) Thân bài
- Ý thích của ông em:
+ Ông thích trồng cây xương rồng;
+ Cháu thắc mắc, ông giải thích.
- Ông yêu các cháu:
+ Chăm sóc việc học;
+ Kể chuyện cho các cháu;
+ Ông chăm lo sự bình yên cho gia đình.
c) Kết bài
Nêu tình cảm, ý nghĩ của em đối với ông.

Bài làm tham khảo
Ông em là cán bộ về hưu, tuổi cao, tóc bạc và rất hiền.

Ông rất yêu thương những cây xương rồng nhỏ, đủ loại mà ông đã xin về và trồng trong những cái chậu xinh xinh. Ông có một cái xẻng nhỏ như cái thìa; thỉnh thoảng ông xới cây này, tỉa cây nọ, tưới nước cho cây. Lâu lâu có những chồi non bụ bẫm đầy gai nhỏ mọc lên, rồi những đoá hoa tí xíu, đỏ hồng nở từng chùm trông rất thích mắt. Nhưng lúc thư thả, ông em ngắm nghía không biết chán các chậu cây đặt thành dãy trên bậc cửa sổ hoặc trên giá.

Cái Lan, em gái của em, thắc mắc: “Ông ơi, người ta trồng hoa hồng, hoa thược dược, hoa cúc hoặc là trồng cây thế sang trọng, còn ông thì trồng xương rồng, toàn là gai, chán chết!”.

Ông cười, nói: “Cái đẹp thì nhiều loại lắm cháu ạ, mỗi người thích một thứ. Ông thích xương rồng bởi vì nó dễ sống và sống dai. Xương rồng là giống cây sống ở sa mạc, dễ bắt rễ trong cát sỏi, dù đất cằn cỗi thế nào nó cũng sống được. Thân xương rồng có dáng đẹp nhiều vẻ, một vẻ đẹp góc cạnh, xương xẩu, rất hiện đại đó cháu ạ. Lại còn hoa nó cũng đẹp nữa.”

Em hay đùa, bảo: “Cháu biết rồi, nhà này thì ông chỉ yêu lũ xương rồng đấy thôi”. Ông em cười hiền từ, bảo: “Cháu sai rồi, ông yêu nhất các cháu, ông mong các cháu đẹp và khoẻ như những chồi cây bụ bẫm này, chẳng sâu rầy nào xâm hại được”.

Quả thật ông rất yêu chúng em. Ông chăm sóc cái góc học tập của chúng em. Ông treo một cái giá để sách vở và phân tầng trên cho em, còn tầng dưới cho cái Lan. Ông theo dõi sự ngăn nắp, trật tự của chúng em. Hễ để sai chỗ là ông sửa lại. Lâu dần em quen với ngăn nắp, muốn tìm vật gì thì tìm ở chỗ nào là thấy ngay.

Ông thường kể chuyện cho chúng em nghe. Ông em đọc sách rất nhiều, ông biết rất nhiều chuyện. Ông thích nhất là sách nói về thế giới động vật và thực vật. Ông sưu tầm cho chúng em nhiều sách nói về cây cối và động vật xứ nóng ở Châu Phi, Nam Mĩ hoặc các giống vật ở xứ lạnh, quanh năm tuyết phủ. Nhờ có ông mà chúng em biết nhiều, chân trời như rộng mở thêm ra, đầy thơ mộng.

Ông em rất ít ngủ. Người ta nói tuổi già thường như vậy, quả không sai. Trong nhà, ông thường là người ngủ muộn nhất. Ngày ngày ông là người cuối cùng kiểm tra lại các cửa đã đóng chưa, sắp xếp lại các đồ vật để sai chỗ, rồi mới lên giường đi ngủ. Ông đang giữ gìn cuộc sống và sự bình yên cho chúng em.

Nhìn cái dáng đi lại lặng lẽ, nhẹ nhàng, mái tóc bạc như cước, nụ cười hiền hậu của ông, em mong ông sống lâu, sống mãi như cây xương rồng mà em yêu mến.

(Bài làm của học sinh)
Hãy nhận xét:
- Bài làm có sát với đề không?
- Các sự việc nêu lên có xoay quanh chủ đề về người ông hiền từ, yêu hoa, yêu cháu không?

3. Lập dàn bài cho một đề văn tự sự trong số các đề nêu trên, hoặc viết một bài về người ông của em.

Bài tham khảo 1
NỤ CƯỜI CỦA MẸ

Vào những buổi tối mùa đông, lúc hơi lạnh thấm qua cửa sổ khiến bàn tay tôi run lên vì buốt giá, tôi lại nhớ đến những mùa đông năm nào...
... Những buổi tối mùa đông ấy, gió bấc thổi len qua những bụi tre dày gai góc rì rào như muốn tâm tình với mái nhà lợp rạ đầy lá tre khô rơi. Mái nhà ấy đã ôm ấp mẹ con tôi, vì chiến tranh mà đã rời xa một phố cổ về với chốn thôn quê này.

Trên chiếc bàn tre, bên ngọn đèn dầu, mẹ tôi nghiêng mái đầu bên chồng vở học trò. Mẹ tôi là cô giáo, suốt đời chỉ biết làm một nghề: dạy trẻ con tập đọc, tập viết và tập làm tính.

Tối tối như thế, tôi thấy mẹ tôi ngồi nắn nót viết từng chữ mẫu đầu dòng bằng mực đỏ lên từng cuốn vở học trò. Ngày ấy, chưa có những tập sách viết in những hình chấm chấm để học trò tô theo như bây giờ. Mẹ tôi thường dùng bút chì viết mẫu để sớm mai học sinh sẽ tô lên đó bằng bút mực.

Những tối mùa đông như thế, ngồi học bài bên mẹ như một con mèo nhỏ, tôi lắng nghe tiếng bút mẹ tôi đưa nhẹ trên trang giấy trắng những nét thanh, nét đậm. Đôi khi tôi thấy gợn trong lòng một chút tê tê từ trên đầu ngón tay mẹ tôi.

Thuở ấy ở làng quê, mẹ tôi dạy những đứa trẻ vốn chỉ quen mò cua bắt ốc, chăn trâu cắt cỏ. Có những thằng cu nghịch ngợm và viết xấu quá, nhiều buổi tối mẹ tôi bảo cả mấy đứa đến ngồi bên. Mẹ tôi đặt bàn tay thon thả xanh xao cầm lấy bàn tay bé nhỏ nhưng đã sớm khô ráp chai sần của những thằng cu ấy. Mẹ tôi cầm tay học trò viết từng nét cong, nét thẳng. Rồi khi buông ra để học trò tự viết lấy, tôi thấy mẹ tôi khẽ mím môi, hơi thở nhẹ hẳn đi, mái đầu như đưa theo bàn tay của các em. Đến khi xem lại những chữ học trò tròn trịa ngay ngắn, mẹ tôi khẽ gật đầu. Rồi mẹ tôi cất tiếng đọc, một giọng thanh thoát nhẹ nhàng để trẻ con bắt chước theo. Nghe học trò đọc, không thấy ngọng nữa, mẹ tôi mỉm cười trìu mến lắm.

Nụ cười ấy mẹ tôi đã giữ trọn vẹn cho đến lúc bà ra đi mãi mãi.

Sau này, nhiều khi viết xong được những dòng ngay ngắn, tôi lại thấy ở trên cao xanh xa xa, mẹ tôi đang nhìn tôi khẽ gật đầu và mỉm cười trìu mến vô cùng.

(Lê Phương Liên)
Bài tham khảo số 2
BÀN TAY YÊU THƯƠNG

Trong một tiết dạy vẽ, cô giáo bảo các em học sinh lớp 1 vẽ về điều gì làm các em thích nhất trong đời. Cô thầm nghĩ: “Chắc rồi các em cũng lại vẽ những gói quà, những li kem hoặc những món đồ chơi, quyển truyện tranh”. Thế nhưng cô đã hoàn toàn ngạc nhiên trước một bức tranh lạ của em học sinh tên là Đắc-gờ-lớt: bức tranh vẽ một bàn tay.

Nhưng đây là bàn tay của ai? Cả lớp bị lôi cuốn bởi hình ảnh đầy biểu tượng này. Một em đoán: “Đó là bàn tay bác nông dân”. Một em khác cự lại: “Bàn tay thon thả thế này phải là bàn tay của một bác sĩ phẩu thuật...”. Cô giáo đợi cả lớp bớt xôn xao dần rồi mới hỏi tác giả. Đắc-gờ-lớt cười ngượng nghịu: “Thưa cô, đó là bàn tay của cô ạ!”.

Cô giáo ngẩn người. Cô nhớ lại những phút ra chơi thường dùng bàn tay để dắt Đắc-gờ-lớt bước ra sân, bởi em là một cô bé khuyết tật, khuôn mặt không được xinh xắn như các trẻ khác, gia cảnh từ lâu lâm cảnh ngặt nghèo. Cô chợt hiểu ra, tuy cô vẫn làm điều tương tự với các em khác nhưng hoá ra đối với Đắc-gờ-lớt, bàn tay cô lại mang ý nghĩa sâu xa, một biểu tượng của tình yêu thương.

(Theo Quà tặng của cuộc sống, báo Tuổi trẻ - NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2001)