Luyện tập cách làm văn biểu cảm

Lớp 7

Chưa có đánh giá nào

Văn mẫu

Nội dung

I – CHUẨN BỊ Ở NHÀ

Cho đề bài: Loài cây em yêu.

1. Tìm hiểu đề và tìm ý
a) Đề yêu cầu viết về điều gì? Tìm hiểu yêu cầu của đề qua các từ ngữ: loài cây, em, yêu.

b) Em yêu cây gì? Vì sao em yêu cây đó hơn các cây khác?
(Gợi ý: tìm các đặc điểm của cây, mối quan hệ gần gũi giữa cây với đời sống của em. Cây đem lại cho em những gì trong đời sống vật chất và tinh thần?)

2. Lập dàn bài

Tham khảo dàn bài dưới đây để lập dàn bài cụ thể

a) Mở bài: Nêu loài cây và lí do em yêu thích loài cây đó.

b) Thân bài:
- Các đặc điểm gợi cảm của cây....
- Loài cây... trong cuộc sống của con người.
- Loài cây... trong cuộc sống của em.

c) Kết bài: tình cảm của em đối với loài cây đó.

3. Viết đoạn văn

Viết đoạn Mở bài và Kết bài

II – THỰC HÀNH TRÊN LỚP

Học sinh thực hành tìm hiểu đề và tìm ý, lập dàn bài, viết đoạn văn theo hướng dẫn của thầy, cô giáo.

BÀI THAM KHẢO
CÂY SẤU HÀ NỘI

Hằng năm, vào cữ hạ sớm này, người Hà Nội lại được hưởng những cơn mưa lá sấu ào ạt rơi trong hương sấu dìu dịu, thơm thơm.
Hương lá dịu dàng ướp cả bầu không khí tinh khôi khiến ta những muốn hít thật sâu cho căng tràn lồng ngực. Sau lúc lá rụng là cữ sấu ra hoa. Những mảng hoa hình sao màu trắng sữa chao nghiêng trong gió, đậu xuống mái tóc các cô gái, lấm tấm cả mặt đường.

Giống như hoa sữa mùa thu, cành đào ngày Tết, cây sấu Hà Nội gợi nhớ, gợi thương trong tấm lòng những người xa xứ. Tôi có chị bạn đã theo chồng về Nam ngót hai chục năm, mỗi lần có dịp vẫn không quên nhắn bạn gửi cho ít trái sấu xanh Hà Nội. Ngày hè, mâm cơm mỗi gia đình thành phố chúng ta ít khi thiếu bát nước rau muống luộc dầm sấu, ăn kèm với cà pháo dòn tan. Thức ăn giản dị ấy đã là nỗi khát khao của chị bạn tôi (và các nhiều người khác) mỗi bữa cơm trong cái thành phố phương Nam nóng ngột mà cái mát lạnh của những cốc trà đá không làm dịu nổi. Từ những quả sấu xanh, bàn tay khéo léo và sự tinh tế của các bà nội trợ đã tạo nên món sấu đá, một thứ đồ giải khát dân dã mà đậm đà chất Hà Nội. Hãy tưởng tượng trong cái nóng như nung của trưa hè, bạn sà vào một gánh hàng rong nơi góc phố. Cô hàng tươi tắn chào mời, thoăn thoắt đôi tay. Thoáng một cái, bạn đã có trong tay cốc sấu đá mát lạnh. Đừng ngại ngần trước vẻ mộc mạc của nó. Những trái sấu xanh vừa độ, gọt vỏ, bỏ hột, chần qua cho bớt vị chua, được thấm đẫm trong cốc nước đường hoa mai ngọt đậm. Chỉ nhấp một ngụm nước, nhai kĩ miếng sấu, cái khát trưa hè đã dần lui. Ấy chưa kể sự mát mẻ và những nhát quạt phây phẩy của cô hàng chiều khách....

Từng qua thời thơ ấu ở Hà Nội, ai chẳng có một lần nghển cổ nhìn lên tán lá cao vút mà ngắm nghía một cách ước ao chùm sấu non xanh hay thích thú chia nhau nhấm nháp món sấu dầm bán trước cổng trường.

Lúc sấu chín cũng là lúc Hà Nội sắp vào thu với man mác heo may, vàng tươi hoa cúc. Mùa nào, tiết nào Hà Nội cũng có cái để mà nhớ, mà thương. Đó chính là cái duyên của thành phố trong mắt, trong lòng những người yêu Hà Nội.

(Theo Tạ Việt Anh, Hà Nội tạp văn)
SẤU HÀ NỘI
Trên kia tôi nói rằng Hà Nội đã là một rừng cây sấu mọc thành hàng dãy phố. Cây sấu trông hình thù xấu xí. Cũng như anh Trương Chi người xấu nhưng tiếng hát hay, cây sấu có nhiều đức tính.

Hình thù cây sấu dễ lẫn với trăm ngàn cây khác, nhưng quả sấu chín có một hương ngọt, nó thơm một cách khiêm tốn nhưng cũng tự kiêu ngầm; và ngay từ lúc nó còn là một trái xanh non, đem ra làm tương giấm hoặc tan ra trong nước rau muống lúc nắng mới, vị sấu có một hương chua chua cầu kì gớm lên ấy. Cây sấu ra quả là một nguồn cảm xúc mạnh cho những trẻ em nhà nghèo lúc lấm lét trèo lên cây hoặc cầm súng cao su đứng dưới gốc. Cái lúc sấu rụng lá già cũng tỏ ra là một thứ cây có tình. Trong tiếng gió thổi trên thành phố, vẫn thầm thì cái tiếng chào kín đáo của lá sấu gại lên mặt đường nhựa; nó nhịp với tiếng nhát chổi của người công nhân vệ sinh chuyển bước chữ đinh[1] trên đường phố vắng người. Đêm về sáng, người nạo lòng đường sắt tàu điện có lẽ là người hiểu nhiều nỗi riêng của cây sấu. Trong cuộc hội họp của màu xanh muôn vẻ của cây Việt Nam, cây sấu như ngả sang màu đen bền vững. Những khóm lá xanh già cấc ấy tự nguyện thành một cái nền chắc nịch làm bừng sáng lên những chồi lộc các loại cây quanh mình. Cái gì chắc chắn thường là chậm chạp, cho nên trong hội thi đua mùa xuân trăm cây ra lộc hết cả rồi, ta mới thấy cây sấu đủng đỉnh xoè lên nền nắng mới một vài cái nõn nhỏ.

(Theo Nguyễn Tuân, Cây Hà Nội)
[1] Theo cách viết chữ Hán, chữ đinh gồm có một nét ngang và một nét sổ vuông góc với nhau. Bước chữ đinh là bước di chuyển của người quét rác, bàn chân bước tới theo hướng vuông góc với bàn chân trụ.