Lập luận trong văn nghị luận

Lớp 10

Chưa có đánh giá nào

Văn mẫu

Nội dung

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Củng cố và nâng cao hiểu biết về yêu cầu và cách thức xây dựng lập luận đã học ở THCS.
Xây dựng được lập luận trong bài văn nghị luận.

I - KHÁI NIỆM VỀ LẬP LUẬN TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN

Hãy đọc đoạn văn lập luận sau đây và trả lời câu hỏi.

Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết xét thời thế mà thôi. Được thời có thế thì biến mất làm còn, hoá nhỏ thành lớn. Mất thời không thế thì mạnh quay thành yếu, yên chuyển làm nguy, chỉ như khoảng trở bàn tay mà thôi. Nay các ông không rõ thời thế, lại trang sức bằng những lời dối trá, thế chẳng phải là kẻ thất phu hèn kém ư? Sao đủ để cùng nói việc binh được.
(Nguyễn Trãi, Lại dụ Vương Thông)

a) Kết luận (mục đích) của lập luận là gì?
b) Để dẫn tới kết luận đó, tác giả đã đưa ra những lí lẽ hoặc dẫn chứng (luận cứ) nào?
c) Hãy cho biết thế nào là một lập luận.

II - CÁCH XÂY DỰNG LẬP LUẬN

Văn nghị luận nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng, quan điểm nào đó. Muốn vậy, người viết phải biết trình bày ý kiến của mình và đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục, nghĩa là phải biết lập luận. Thông thường, để xây dựng một lập luận, người viết phải xác định được luận điểm chính xác, minh bạch; tìm các luận cứ thuyết phục và biết vận dụng các phương pháp lập luận hợp lí.

1. Xác định luận điểm
Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị luận. Để hiểu sâu thêm về luận điểm, hãy đọc văn bản sau rồi trả lời các câu hỏi.
CHỮ TA

Vừa ở Xơ-un (Hàn Quốc) về nước, đi công tác ở một số thành phố, thấy cần phải viết ngay một điều.

Ai cũng biết Hàn Quốc phát triển kinh tế khá nhanh, vào loại “con rồng nhỏ”, có quan hệ khá chặt chẽ với các nước phương Tây, một nền kinh tế thị trường nhộn nhịp, có quan hệ quốc tế rộng rãi. Khắp nơi đều có quảng cáo, nhưng không bao giờ quảng cáo thương mại được đặt ở những công sở, hội trường lớn, danh lam thắng cảnh. Chữ nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh, nếu có thì viết nhỏ đặt dưới chũ Triều Tiên to hơn ở phía trên. Đi đâu, nhìn đâu cũng thấy nổi bật những bảng hiệu chữ Triều Tiên. Trong khi đó thì ở một vài thành phố của ta nhìn vào đâu cũng thấy tiếng Anh, có bảng hiệu của các cơ sở của ta hẳn hoi mà chữ nước ngoài lại lớn hơn cả chữ Việt, có lúc ngỡ ngàng tưởng như mình lạc sang một nước khác.

Báo chí ở Hàn Quốc khá nhiều. Tôi không biết chữ Triều Tiên những cũng xem qua khá nhiều tờ báo. Có một số tờ báo, tạp chí, số báo xuất bản bằng tiếng nước ngoài, in rất đẹp. Nhưng các tờ báo phát hành ở trong nước đều không có mấy trang viết bằng tiếng nước ngoài, trừ một số tạp chí khoa học, ngoại thương có in ở trang cuối mục lục bằng tiếng nước ngoài để người đọc nước ngoài nhờ dịch những bài cần đọc. Trong khi đó ở ta, khá nhiều báo, kể cả một số tờ báo của các ngành của nhà nước ta có cái “mốt” là tóm tắt một số bài chính bằng tiếng nước ngoài ở trang cuối, xem ra để cho “oai” trong khi đó người đọc trong nước lại bị thiệt mấy trang thông tin.

Phải chăng, đó cũng là thái độ tự trọng của một quốc gia khi mở cửa với bên ngoài, mà ta nên suy ngẫm.

(Theo Hữu Thọ, Bản lĩnh Việt Nam)
a) Bài văn nghị luận trên bàn về vấn đề gì? Quan điểm của tác giả về vấn đề đó như thế nào?
b) Bài văn có bao nhiêu luận điểm? Tìm các luận điểm đó.

2. Tìm luận cứ

Để làm sáng tỏ cho luận điểm, làm cho người đọc hiểu, tin vào tính đúng đắn của nó, người viết phải đưa ra các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục, tức là tìm các luận cứ cho luận điểm. Đọc lại đoạn văn lập luận ở mục I, văn bản Chữ ta ở mục II và thực hiện các nhiệm vụ dưới đây:

a) Tìm các luận cứ cho mỗi luận điểm.
b) Cho biết đâu là luận cứ lí lẽ, đâu là bằng chứng thực tế.

3. Lựa chọn phương pháp lập luận

Để lập luận thuyết phục và chặt chẽ, người lập luận còn phải biết áp dụng các phương pháp lập luận hợp lí. Phương pháp lập luận là cách thức lựa chọn, sắp xếp luận điểm, luận cứ sao cho lập luận chặt chẽ và thuyết phục.

a) Hãy đoc lại hai ngữ liệu trên, xác định và phân tích các phương pháp lập luận được vận dụng.
b) Kể thêm một số phương pháp lập luận thường được sử dụng trong văn bản nghị luận.

GHI NHỚ
- Lập luận là đưa ra các lí lẽ, bằng chứng nhằm dẫn dắt người nghe (đọc) đến một kết luận nào đó mà người nói (viết) muốn đạt tới.
- Để xây dựng lập luận trong văn bản nghị luận, cần xác định được luận điểm chính xác, minh bạch; tìm các luận cứ (lí lẽ và bằng chứng) thuyết phục và vận dụng các phương pháp lập luận hợp lí (phương pháp quy nạp, phương pháp diễn dịch, phương pháp nêu phản đề,...)

III - LUYỆN TẬP

1. Tìm và phân tích các luận điểm, luận cứ và phương pháp lập luận trong đoạn trích ở bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX (Ngữ văn 10, tập một, tr.109) sau đây:

Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại cũng rất phong phú, đa dạng, biểu hiện ở lòng thương người; lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên con người; khẳng định, đề cao con người về các mặt phẩm chất, tài năng, những khát vọng chân chính như khát vọng về quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do, khát vọng về công lí, chính nghĩa; đề cao những quan hệ đạo đức, đạo lí tốt đẹp giữa người với người.

Có thể thấy những biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo nói trên quá các tác phẩm văn học Phật giáo thời Lí (Cáo bệnh, bảo mọi người của Mãn Giác, Tỏ lòng của Không Lộ,...), sáng tác của Nguyễn Trãi (Đại cáo bình Ngô, Tùng, Cảnh ngày hè,...), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Ghét chuột, Nhàn,...), Nguyễn Dữ (Chuyện người con gái Nam Xương, Chuyện chức phán sự đền Tản Viên,...). Cảm hứng nhân đạo đặc biệt nổi bật ở các tác phẩm thuộc giai đoạn văn học thế kỉ XVIII - giữa thế kỉ XIX như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, thơ Hồ Xuân Hương (Bánh trôi nước, Mời trầu, chùm thơ Tự tình), Truyện Kiều của Nguyễn Du, Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu,...

2. Hãy tìm luận cứ làm sáng tỏ luận điểm sau:

a) Đọc sách đem lại cho ta nhiều điều bổ ích.
b) Môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề.
c) Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng.

3. Chọn một trong các lập luận vừa xây dựng ở bài tập 2 để viết thành một đoạn văn.