Lấp lánh hồn ta mặn gió khơi

Việt Nam / Lớp 10 » Trần Ninh Hồ

Chưa có đánh giá nào

Nội dung

[...] Huy Cận chưa bao giờ ngưng làm thơ. Và cũng kì diệu thay, qua suốt 60 năm cầm bút, ở giai đoạn nào của nền văn học Việt Nam hiện đại, Huy Cận cũng “cứ tự nhiên” được đặt vào vị trí của nhà thơ hàng đầu trong tâm hồn người đọc.

Và với riêng tôi, sau gần bốn mươi năm cầm bút, chưa bao giờ ông không khiến tôi ngạc nhiên đến ngơ ngác trước thơ ông!
Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la.
Rơi rơi...dìu dìu, rơi rơi
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ.
Thuyền đậu thuyền đi hạ kín mùi
Lưa thưa mưa biển ấm chân trời...
Trẻ con thuyền ai ra giỡn nước
Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm.
Làm sao ông lại có thể viết về mưa buồn, mưa vui như kiếp người mà hay thế nhỉ? “Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm”, còn ai có thể viết về vẻ đẹp mưa xuân đến thấm nhuần cả vạn vật, đất trời, tạo nên sự huyền ảo của hồi sinh như thế không?

Thế rồi với mùa thu, cái mùa thu đẹp nhất của một năm, nhưng cũng là cái mùa đã từng đi lại đến “mòn đường đứt cỏ” trong thơ ca cổ kim, đông tây; Huy Cận viết thế nào nhỉ?
Vi vu gió hút nẻo vàng
Một thời thu rộng mấy hàng mây nao.
[...] Với một tâm hồn thơ lớn khiến cho nỗi buồn từ sự xót thương con người có lúc như lan thấm đến cả vũ trụ thì tình yêu và niềm vui từ những niềm vui và tình yêu con người, cũng rất tự nhiên toả ra với trời đất:
Bay cao bay vút
Chim biến mất rồi
Chỉ còn tiếng hót
Làm xanh ra trời...
[...] Thế rồi ông viết bài thơ Ta viết bài thơ gọi biển về. Gọi biển về hay ông gọi chính ông sau những tháng năm cật lực với đời, với những đóng góp lớn lao rất đáng để bình tâm, thanh thản:
Rồi một ngày kia hết ở đời
Cho ta theo biển khoả chân trời
Điều chi chưa nói xin trao sóng
Lấp lánh hồn ta mặn gió khơi.
Nguồn: Theo Trần Ninh Hồ, Báo An ninh thủ đô, ngày 18-02-2006