Kiều gặp Từ Hải (trích Hồi 18 Truyện Kiều)

Việt Nam » Nguyễn Du

103.90

Nội dung

Lần thâu gió mát trăng thanh
Bỗng đâu có khách biên đình[1] sang chơi
Râu hùm, hàm én, mày ngài[2]
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao
Đường đường một đấng anh hào[3]
Côn quyền[4] hơn sức, lược thao[5] gồm tài
Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ tên Hải, vốn người Việt Đông[6]
Giang hồ quen thói vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo[7]
Qua chơi thấy tiếng nàng Kiều
Tấm lòng nhi nữ[8] cũng xiêu anh hùng
Thiếp danh đưa đến lầu hồng[9]
Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa
Từ rằng: Tâm phúc tương cờ[10]
Phải người trăng gió vật vờ hay sao?
Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh[11] chẳng để ai vào, có không?
Một đời được mấy anh hùng
Bõ chi cá chậu chim lồng[12] mà chơi?
Nàng rằng: Người dạy quá lời
Thân này còn dám coi ai làm thường!
Chút riêng chọn đá thử vàng
Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?
Còn như vào trước ra sau
Ai cho kén chọn vàng thau tại mình?
Từ rằng: Lời nói hữu tình!
Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân[13]
Lại đây xem lại cho gần
Phỏng tin được một vài phần hay không?
Thưa rằng: Lượng cả bao dung
Tấn Dương[14] được thấy mây rồng có phen
Rộng thương cỏ nội, hoa hèn
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau.
Nghe lời vừa ý, gật đầu
Cười rằng: Tri kỷ[15] trước sau mấy người?
Khen cho con mắt tinh đời
Anh hùng, đoán giữa trần ai[16] mới già!
Một lời đã biết đến ta
Muôn chung, nghìn tứ[17], cũng là có nhau!
Hai bên ý hợp tâm đầu[18]
Khi thân, chẳng lựa là cầu mới thân!
Ngỏ lời nói với băng nhân
Tiền trăm lại cứ nguyên ngân[19] phát hoàn[20]
Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn
Đặt giường thất bảo, vây màn bát tiên[21]
Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng[22]
[1] Nơi biên ải xa xôi.
[2] Tướng mại của người anh hùng: râu dữ như râu hùm, hàm mở rộng như chim én, mày cong và to như con tằm.
[3] Anh hùng hào kiệt.
[4] Côn: món võ đánh bằng gậy; quyền: món võ đánh bằng tay.
[5] Mưu lược về các dùng binh, do chữ “Lục thao, Tam lược” là hai pho binh thư đời xưa mà ra.
[6] Chỉ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ở về phía đông sông Việt, nên gọi là Việt Đông.
[7] Hoàng Sào, một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa đời Đường, có câu thơ: “Bán kiên cung kiếm băng thiên túng, Nhất trạo giang sơn tận địa duy” (Chỉ nửa vai cung kiếm mà tung hoành khắp cả gầm trời, Chỉ một mái chèo mà đi khắp cả non sông).
[8] Chỉ người đẹp.
[9] Do chữ hồng lâu.
[10] Tương cờ tức tương kỳ, lòng dạ hứa hẹn với nhau. Từ Hải muốn cùng Kiều kết thành đôi lứa tri kỷ chứ không phải là cái tình yêu đương trăng gió tạm bợ.
[11] Nguyên Tịch đời Tấn trọng ai thì nhìn bằng con mắt xanh, khinh ai thì nhìn bằng con mắt trắng. Câu này ý nói Từ Hải hỏi Kiều, xưa nay nàng chưa hề xem trọng ai có phải không?
[12] Chỉ hạng người tầm thường, sống trong vòng giam hãm câu thúc.
[13] Chính tên là Triệu Thắng, một trong thần nhà Triệu thời Chiến Quốc, được phong đất ở Bình Nguyên nên gọi là Bình Nguyên Quân, nổi tiếng là người hiếu khách. Cao Thích đời Đường có câu: “Vị tri can đảm hướng thuỳ thị, Linh nhân khước ức Bình Nguyên Quân” (Chẳng biết gan mật hướng vào ai, Khiến người ta lại nhớ Bình Nguyên Quân).
[14] Tên đất, nơi Đường Cao Tổ khởi binh đánh nhà Tuỳ, dựng nên đế nghiệp. Câu này ý nói Thuý Kiều tin tưởng là Từ Hải sẽ làm nên sự nghiệp đế vương.
[15] Người hiểu biết mình.
[16] Bụi bậm, chỉ lúc người anh hùng còn ẩn náu, chưa có danh vụ gì để phân biệt với người thường.
[17] Do chữ thiên tứ (nghìn cỗ xe), chỉ cảnh giàu sang.
[18] Tâm tình và ý nghĩa đều tương đắc với nhau.
[19] Số tiền bỏ ra khi trước.
[20] Đưa trả lại.
[21] Tám vị tiên là Chung Ly Quyền, Lã Động Tần, Trương Quả Lão, Lý Thiết Quái, Lam Thái Hoà, Tào Quốc Cữu, Hà Tiên Cô, Hàn Tương Tử. Người ta hay vẽ hình tám vị tiên này trên màn trướng.
[22] Xưa Kính Trọng người nước Tần được quan đại phu nước Tề gả con gái cho, trong quẻ bói được câu: “Phượng hoàng vu phi...” (Chim phượng hoàng cùng bay). Đời Đông Hán, Hoàng Hiến và Lý Ung là hai người có danh vọng, cùng lấy con gái Hoàn Yến, người đời khen hai con gái Hoàn Yến đều cưỡi rồng. Câu này dùng ý hai điển ấy để nói Từ Hải, Thuý Kiều đẹp duyên với nhau.
Đoạn trích này từng được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 9 giai đoạn 1990-2003, nhưng đã được lược bỏ về sau.