Kiến thức về bài thơ “Hầu Trời” - hướng dẫn làm bài

Việt Nam / Lớp 11 » Tản Đà » Hầu Trời

Chưa có đánh giá nào
I. TÁC GIẢ TẢN ĐÀ

- Tản Đà (1889 - 1939) tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu, quê ở làng Khê Thượng, nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.

Làng ở ven sông Đà, gần chân núi Tản Viên nên nhà thơ đã ghép tên sông núi thành bút danh của mình: Tản Đà. Sinh ra và lớn lên trong buổi giao thời, cả con người và văn chương Tản Đà đều mang dấu ấn “người của hai thế kỉ” (Hoài Thanh), trong đó có sự giao thoa giữa con người Nho học mang nặng giáo lí phong kiến và con người Tây học chứa đựng những tư tưởng mới mẻ thời hiện đại.

- Sáng tác của Tản Đà bao gồm cả thơ và văn xuôi, nhưng thơ ca mới là lĩnh vực đưa ông lên vị trí ngôi sao sáng trên thi đàn Việt Nam đầu thế kỉ XX. Ông là nhà nho đi tiên phong trong việc phá bỏ những ràng buộc của thơ cũ, mở đường cho một lối thơ phóng khoáng về điệu luật, khác lạ về thi tứ. Nói như Hoài Thanh, ông là người “đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hoà nhạc tân kì đương sắp sửa” (Thi nhân Việt Nam). Bằng cách thể hiện “cái tôi” lãng mạn, phóng túng, với những giấc mộng “ngông cuồng” muôn vượt thoát cõi trần tìm đến cõi tri âm nơi tiên giới, Tản Đà đã tìm được con đường riêng để chinh phục bạn đọc. Thơ văn ông được coi là cái gạch nối giữa thời trung đại và thời hiện đại.

- Tác phẩm chính của Tản Đà: Khối tình con I, II (thơ -1916, 1918), Giấc mộng con I, II (truyện - 1916, 1932), Khối tình bản chính, Khối tình bản phụ (luận thuyết - 1918), Còn chơi (thơ và văn xuôi - 1921), Thơ Tản Đà (1925), Giấc mộng lớn (tự truyện - 1928)...

II. BÀI THƠ HẦU TRỜI

Hầu Trời là bài thơ tiêu biểu cho lối thơ phóng túng, cách thể hiện “cái tôi” độc đáo của Tản Đà. Khi in lần đầu trong tập Còn chơi (Tản Đà tự xuất bản, 1921), bài thơ có tất cả 124 câu. Sau này, khi in lại trong các tuyển tập, bài thơ đã được sửa chữa và thay đổi một số từ. Văn bản trong SGK chỉ chọn học 74 câu, các câu khác in chữ nhỏ để giữ nguyên diện mạo bài thơ.

NỘI DUNG

1. Cảm hứng mới trong môtíp nghệ thuật cũ

Lên trời là môtíp nghệ thuật phổ biến trong văn học dân gian và văn thơ trung đại, người xưa thường mượn cõi tiên để gửi gắm những ước mơ không thực hiện được nơi trần thế. Tản Đà cũng “lên tiên”, nhưng khác với người xưa, thi nhân không khoanh tay chờ đợi những phép lạ của cõi tiên làm biến đổi đời mình mà chủ động đem “cái tôi” đầy cá tính của mình lên quấy động cả cuộc sông nơi tiên giới. Cõi tiên của Tản Đà vì thế rất gần với coi trần tục luỵ, thi nhân có thể đàm đạo thơ ca với Nguyễn Trãi, Hàn Thuyên , Đoàn Thị Điểm , Hồ Xuân Hương... nói chuyện thế sự với cụ Khổng Tử, Lư Thoa... gặp gỡ người đẹp Tây Thi, Dương Quý Phi, Chiêu Quân,... Tản Đà tìm đến cõi tiên để gặp người tri kỉ dốc bầu tâm sự, để khẳng định “cái tôi” đầy tài năng và phẩm giá của mình. Đi xa hơn nữa, thi nhân còn tự cho mình là người của cõi trời bị đẩy xuống hạ giới vì tội “ngông”. Một loạt bài thơ của Tản Đà đã ra đời từ nguồn cảm hứng bay bổng đó như: Muốn làm thằng Cuội, Trời nắng , Tống biệt ... mà Hầu Trời là một thi phẩm tiêu biểu, trong đó “cái tôi” của nhà thơ tự do bộc lộ.

2. Một “cái tôi” đầy tài năng được thừa nhận ở cõi thiên đình

Mượn cớ đang đêm đọc thơ làm Trời mất ngủ, bị tiên nữ điệu lên cho Trời hỏi tội, thi nhân đã phô diễn tài năng văn chương của mình: trước hết là khả năng sáng tạo trên khắp các thể tài (Đọc hết văn vần sang văn xuôi - Hết văn lí thuyết lại văn chơi; “Thần tiên”, “Giấc mộng” văn tiểu thuyết - “Đài gương”, “Lên sáu” văn vị đời - Quyển “Đàn bà Tàu” lối văn dịch,..) sau nữa đây mới là cơ bản, là cái khí lực của văn thơ ẩn trong một hình thức vẹn toàn (Nhời văn chuốt đẹp như sao băng! - Khí văn hùng mạnh như mây chuyển! - Êm như gió thoảng, tinh như sương! - Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!). Chỉ bằng mấy lời dặn dò của chư tiên (Chư tiên ao ước tranh nhau dặn - “Anh gánh lên đây bán chợ trời!”) cùng sự phán xét của Trời (Văn đã giàu thay, lại lắm lối;... văn thật tuyệt - Văn trần được thế chắc có ít!) mà tài năng xuất chúng của thi nhân đã được khẳng định một cách tuyệt đối. Cõi trần không có người tri kỉ đánh giá được tài năng đích thực thì thi nhân lên tận thiên đình để cho Trời “xếp hạng”. Cái “ngông” của Tản Đà chính là ở chỗ đó, và đây cũng là một giấc mơ hết sức lãng mạn, độc đáo của nhà thơ.

3. Một “cái tôi” có phẩm giá hơn người, được trao một sứ mệnh cao cả.

Tự nhận mình là một “trích tiên” bị “đày xuống hạ giới vì tội ngông” đã là một kiểu “tự phong” rất khác đời thi nhân còn muốn khẳng định “cái tôi” của mình ở môt mức cao hơn - ông chính là người được Trời chọn để gánh vác một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả:
Trời rằng: “Không phải là Trời đày,
Trời định sai con một việc này
Là việc “thiên lương” của nhân loại
Cho con xuống thuật cùng đời hay”
Một lần nữa, thi nhân lại mượn lời trời để đề cao phẩm giá của mình: Người được Trời tin cẩn giao trọng trách quảng bá “thiên lương” nơi hạ giới ắt hẳn phải là người có phẩm chất hơn đời. Trong sự nhún mình “biết làm có được mà dám theo” của thi nhân, có thề nhận ra nỗi cơ cực của những người trót lấy nghiệp văn chương làm kế sinh nhai thời đó (Văn chương hạ giới rè như bèo... Một cây che chống bốn năm chiều). Câu thơ “Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết!” vừa là lời “động viên” của Trời vừa là lời tự nhủ mang dũng khí của một người dám đứng ra gánh vác sứ mệnh cao cả của văn chương, bất chấp những khó khăn, gian khổ. Ở đây, Tản Đà đã thể hiện một “cái tôi” tự tin và đầy bản lĩnh.

Hư cấu nên câu chuyện Hầu Trời, Tản Đà đem vào thơ một nguồn cảm hứng thật sảng khoái và mới mẻ. Nhà thơ vừa bộc lộ được “cái tôi” đầy tài năng và phẩm giá cúa mình vừa bày tỏ ý muôn thực thi sứ mạng của người cầm bút đối với xã hội đương thời, làm hưng thịnh đạo “thiên lương” đang ngày càng mai một. Do là nội dung cơ bản của câu chuyện Hầu Trời, cũng là ý tưởng lãng mạn của thi nhân gửi vào giấc mộng.

NGHỆ THUẬT

- Hầu Trời tuy vẫn dùng thể thơ thất ngôn cổ điển nhưng Tản Đà đã có ý mở rộng biên độ thành “trường thiên”. Khi in bài thơ lần đầu, nhà thơ ghi dưới tên bài là Điệu thu thuỷ và chú thích ở dưới: “Thu thuỷ” là nước mùa thu, mùa thu nước lũ chảy thật mạnh, gỗ, bương, củi, sậy cùng trôi, không có kỉ luật nào (Còn chơi ). Đúng như lời giải thích về điệu thơ, toàn bộ bài thơ chảy trôi theo một mạch thơ vô cùng phóng túng, có cảm giác không hề bị câu thúc bởi vần điệu và niêm luật; ngôn ngữ và hình ảnh cứ thế tuôn trào một cách tự nhiên theo dòng cảm xúc. Chính nguồn cảm hứng mới mẻ của Tản Đà đã kéo theo sự biến đổi tự bên trong của thể thơ, làm điệu thơ mang một sức sống mới.

- Giọng kể dí dỏm, hài hước, phá vỡ sự trang nghiêm của thơ cổ điển; ngôn ngữ sông động, đem vào thơ một hơi thở của đời sống thông tục rất thú vị. Bài thơ hấp dẫn ngay từ những lời mở đầu: Đêm qua chẳng biết có hay không... - Thật được lên tiên - sướng lạ lùng. Sự dí dỏm nằm trong những câu thơ kiểu văn nói: Đương cơn đắc ý đọc đã thích - Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi; Trời nghe Trời cũng bật buồn cười!;... trong những lời đối thoại nôm na mà hóm hỉnh: Nhờ Trời văn con còn bán được - Chửa biết con in ra mấy mươi?’, Chư tiên ao ước tranh nhau dặn - “Anh gánh lên đây bán chợ Trời!”,... Giọng thơ ở đây biểu lộ sự vui vẻ thư thái ung dung của thi nhân. Vừa là người kể vừa là nhân vật chính trong câu chuyện, nhà thơ nhập vai rất thoải mái, nói năng trào lộng như ở nhà tạo cảm giác chốn thiên đình là nơi quen thuộc, người tiên hầu như cũng là chỗ bè bạn của nhà thơ. Đó cũng là một trong những biểu hiện của cái “ngông” Tản Đà.