Kiến thức về bài thơ “Rằm tháng giêng”

Việt Nam / Lớp 7 » Hồ Chí Minh » Nguyên tiêu

23.00
Rằm tháng giêng là một bài thơ viết bằng chữ Hán, nguyên tác là Nguyên tiêu. Nguyên tác bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, được nhà thơ Xuân Thuỷ dịch ra thể lục bát. Trong việc chuyển tải nội dung của bản gốc sang bản dịch thơ, đôi khi dịch giả rất khó thể hiện được ý đồ nghệ thuật của nguyên tác trong bản dịch. Vì vậy, trong quá trình tìm hiểu, phân tích, rất cần phải có sự bám sát ý nghĩa của nguyên tác qua bản phiên âm và bản dịch nghĩa.

1. Bố cục của bài thơ

Bài thơ gồm bốn câu, căn cứ vào nội dung có thể chia thành hai phần:
- Hai câu đầu: Cảnh đêm rằm tháng giêng.
- Hai câu cuối: Hình ảnh người chiến sĩ cách mạng.

Tuy nhiên, cách chia đoạn trên chỉ mang ý nghĩa tương đối, vì ở hai câu đầu đằng sau cảnh đêm rằm là tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng - nhân vật trữ tình, và hai câu cuối tuy hình ảnh trung tâm là con người, song hình ảnh con người lại gắn với không gian và cảnh vật của đêm trăng.

2. Bức tranh đêm rằm tháng giêng

Bức tranh được mở ra với vẻ đẹp viên mãn của vầng trăng đêm rằm:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
(Đêm nay, đêm rằm tháng giêng, trăng đúng lúc tròn nhất)
Vẻ đẹp của vầng trăng đêm rằm, lại là đêm rằm tháng giêng - tháng khởi đầu của một năm mới, là một vẻ đẹp tròn đầy, viên mãn, toả ánh sáng tràn ngập khắp nơi. Cùng với ánh sáng trong trẻo, tươi đẹp ấy là sức xuân, hơi thở của mùa xuân cũng lan toả, tràn khắp đất trời sông nước:
Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên
(Sông xuân, nước xuân tiếp giáp với trời xuân)
Một câu thơ bảy tiếng mà có tới ba từ “xuân”, khiến người đọc có cảm giác sức xuân, khí xuân rất mạnh mẽ, đang trỗi dậy, lan toả khắp dòng sông, mặt nước, bầu trời. Trăng rằm tròn vành vạnh đem nguồn sáng chiếu rọi để thấy được bầu không khí xuân tràn ngập toàn vũ trụ. Người dịch đã đưa chữ “xuân” lên câu thứ nhất để giữ đủ ba chữ “xuân”, tuy nhiên, nếu như đọc liền cả ba chữ “xuân” thì ý nghĩa hơn; và câu thơ dịch đầu tiên cũng chưa chuyển tải được ý nghĩa của nguyên tác, dịch là “lồng lộng trăng soi” chưa chuyển tải được ý nghĩa của cụm từ “nguyệt chính viên” - miêu tả vầng trăng đúng độ tròn đầy, viên mãn. Mặc dù vậy, bản dịch cũng đã phần nào thể hiện được cái hồn của nguyên tác khi phác hoạ được cảnh một đêm rằm mùa xuân tươi đẹp, phơi phới tràn đầy vẻ xuân, sắc xuân. Nhân vật trữ tình hoà vào trong bầu không khí xuân ấy ở vị trí đang ngồi trên thuyền, dễ cảm nhận được cái mênh mông vô tận của sắc xuân tràn ngập xung quanh.

3. Hình tượng của người chiến sĩ cách mạng

Nếu như hai câu thơ đầu là cảm hứng trước vẻ đẹp của đêm nguyên tiêu, thì ở hai câu cuối lại là một cảm hứng lớn lao, cao đẹp hơn:
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
(Nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng bàn việc quân,
Nửa đêm quay về trăng đầy thuyền.)
Có thể nói, ở hai câu thơ cuối, đặc biệt là câu thơ thứ ba, hình tượng trung tâm của bài thơ là một hình tượng mới mẻ của những bài thơ viết về “trăng”. Hình ảnh “yên ba thâm xứ” là một hình ảnh ẩn dụ quen thuộc trong thơ cổ, diễn tả làn sương bay trên sông mờ ảo như khói toả trên mặt sóng. Và ở nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng, trong ánh trăng chan hoà không gian và hơi xuân lan toả khắp đất trời, sông nước, hoá ra không phải là những bậc tao nhân mặc khách đang uống rượu thưởng trăng, đàm đạo thơ phú, cũng không phải là ẩn sĩ tìm đến thâm sơn cùng cốc để di dưỡng tính tình mà là những người cách mạng đang “đàm quân sự”, đang bàn kế sách đánh giặc. Không gian sông nước với khói sóng mịt mờ hoá ra chỉ là yếu tố, điều kiện để đảm bảo an toàn, bí mật cho những kế hoạch; chiến lược của những người lãnh đạo cách mạng. Và sau khi bàn việc quân, công việc đầy tính thực tế, khô khan, họ đã trở về với cảm hứng lãng mạn tràn ngập: “Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.

Con thuyền để bàn việc quân - con thuyền quân sự khi trở về đã trở thành con thuyền thơ, con thuyền ánh sáng, đầy ắp ánh trăng xuân. Tưởng chừng việc quân cơ sẽ làm mất đi cảm hứng, sự rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, thế nhưng, với vị lãnh tụ Hồ Chí Minh, cả hai đã hoà nhập thống nhất tuyệt đẹp ở câu thơ kết. Đó chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thép và tình, giữa màu sắc cổ điển với chất hiện đại trong tâm hồn người chiến sĩ cách mạng. Câu thơ cuối đã thể hiện một phong thái ung dung, lạc quan và một tâm hồn đầy chất nghệ sĩ.

4. Sự kế thừa đầy sáng tạo vẻ đẹp thơ cổ điển

Thơ xưa thường lấy thi liệu là thiên nhiên, vẻ đẹp của trăng, sông nước, núi non, mùa xuân, hình ảnh khói sóng trên sông,... thường là khơi dậy trong tâm hồn thi nhân cám hứng sáng tác. Vậy nên, trong Rằm tháng giêng, những hình ảnh của trăng xuân, sông xuân, trời xuân, hình ảnh con thuyền đi trong hơi sương mịt mờ như khói sóng, mang đậm hương vị cổ. Lý BạchTĩnh dạ tứ, Trương KếPhong Kiều dạ bạc, Thôi HiệuHoàng Hạc lâu, Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng rất nhiều lần tả hình ảnh vầng trăng, sông núi,... Việc vận dụng những thi liệu của thơ ca cổ đã đem lại cho Rằm tháng giêng một màu sắc một dáng vẻ cổ điển.

Tuy nhiên, nhà thơ ở đây không chỉ biết kế thừa mà còn thổi hồn vào bài thơ hơi thở của thời đại cách mạng. Đặt bài thơ trong hoàn cảnh những ngày tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn, thiếu thốn, vận mệnh dân tộc đang bị đe doạ, ta mới thấm thía được phong thái lạc quan, ung dung làm chủ hoàn cảnh của người chèo lái con thuyền cách mạng. Con người vĩ đại ấy là nhà tư tưởng, nhà cách mạng đồng thời có tâm hồn nghệ sĩ tinh tế. Chính vì vậy mà bài thơ tuy mang phong vị thơ cổ điển, nhưng vẫn thấy toát lên chất hiện đại, hơi thở và nhịp sống của thời đại cách mạng.

* Bài thơ đã miêu tả thành công vẻ đẹp của đêm nguyên tiêu, với ánh trăng tươi đẹp viên mãn, toả sáng khắp đất trời sông nước, sức sống mùa xuân tràn ngập. Đằng sau bức tranh ấy là sự hoà quyện vẻ đẹp của tâm hồn người chiến sĩ cách mạng với tâm hồn một thi sĩ giàu cảm xúc.