Khái quát lịch sử tiếng Việt

Lớp 10

Chưa có đánh giá nào

Văn mẫu

Nội dung

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

- Nắm được một cách khái quát nguồn gốc, các mối quan hệ họ hàng, quan hệ tiếp xúc, tiến trình phát triển của tiếng Việt và hệ thống chữ viết của tiếng Việt.
- Thấy rõ lịch sử phát triển của tiếng Việt gắn bó với lịch sử phát triển của đất nước, của dân tộc.
- Bồi dưỡng tình cảm quý trọng tiếng Việt – tài sản lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc.

I- LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA TIẾNG VIỆT

Tiếng Việt là tiếng nói của dân tộc Việt – dân tộc đa só trong đại gia đình 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, đồng thời là ngôn ngữ được dùng chính thức trong các lĩnh vực hành chính, ngoại giao, giáo dục,... Tiếng Việt cũng được các dân tộc anh em sử dụng như ngôn ngữ chung trong giao tiếp xã hội.

1. Tiếng Việt trong thời kì dựng nước

Tiếng Việt có lịch sử phát triển lâu đời. Cùng với nền văn minh lúa nước có nguồn gốc từ xa xưa, phát triển thêm một bước dưới thời Văn Lang – Âu Lạc, tiếng Việt đương thời chắc hẳn đã có một kho từ vựng phong phú và những hình thức diễn đạt uyển chuyển, đáp ứng yêu cầu giao tiếp xã hội mà dấu vết mờ nhạt còn có thể thấy được qua những thiên truyền thuyết cổ xưa được lưu truyền rộng rãi đến tận ngày nay như: Bánh chưng, bánh giầy; Thánh Gióng,...

Vì giới nghiên cứu chưa tìm được những chứng tích chữ viết rõ ràng nên diện mạo tiếng Việt thời kì này chỉ có thể tìm hiểu một cách khái quát qua một số vấn đề chủ yếu như: nguồn gốc, quan hệ họ hàng, tiếp xúc với ngôn ngữ văn tự Hán ở thời kì đầu.

a) Nguồn gốc tiếng Việt

Những kết quả nghiên cứu gần đây của nhiều nhà Việt ngữ học đã chứng minh tiếng Việt có nguồn gốc bản địa. Nguồn gốc và tiến trình phát triển của tiếng Việt gắn bó với nguồn gốc và tiến trình phát triển của dân tộc Việt - cộng đồng người đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc kiến tạo nền văn minh lúa nước trên địa bàn Đông Nam Á tiền sử, đặc biệt là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện nay. Tiếng Việt được xác định thuộc họ ngôn ngữ Nam Á.

b) Quan hệ họ hàng của tiếng Việt

Trong nhiều thiên niên kỉ, qua sự tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ thuộc các họ ngôn ngữ khác, họ ngôn ngữ Nam Á đã phân chia thành một số dòng, trong đó có dòng Môn – Khmer phân bố ở vùng cao nguyên Nam Đông Dương và miền phụ cận vùng núi Bắc Đông Dương. Hai ngôn ngữ Môn và Khmer được lấy làm tên gọi cho dòng vì đó là hai ngôn ngữ sớm có chữ viết; những dân tộc nói hai ngôn ngữ này đã xây dựng nên những nền văn hoá khá phát triển. Từ dòng Môn – Khmer đã tách ra tiếng Việt Mường chung (tiếng Việt cổ) và cuối cùng tách ra thành tiếng Việt và tiếng Mường. Quá trình này để lại nhiều dấu vết có thể khảo sát được qua việc đối chiếu tiếng Việt với tiếng Mường, tiếng Khmer và với một số ngôn ngữ Môn – Khmer khác như tiếng Ba-na, tiếng Ca-tu,... Trong tiếng Việt hiện đại, những từ như chim, sông, cá, chân, tay,... đã được chứng minh là có nguồn gốc Môn – Khmer. Đối chiếu tiếng Việt với tiếng Mường, có thể tìm thấy sự tương ứng về ngữ âm, ngữ nghĩa của nhiều từ. Ví dụ:
Việt - Mường:
ngày – ngài
mưa – muơ
trong - tlong

Theo các nhà nghiên cứu, tiếng Việt thời xưa chưa có thanh điệu; trong hệ thống âm đầu, ngoài phụ âm đơn còn có phụ âm kép như tl, kl, pl,... trong hệ thống âm cuối còn có các âm như –l, -h, -s,... Về mặt ngữ pháp, từ được hạn định đặt trước, từ hạn định đặt sau (ví dụ như: cây cao, hoa đẹp, cỏ xanh,...). Đó là một nét riêng biệt của tiếng Việt khi đem so sánh với tiếng Hán - một thứ tiếng có quan hệ giao lưu tiếp xúc khá sâu rộng với tiếng Việt qua hàng ngàn năm lịch sử.

Vấn đề nguồn gốc tiếng Việt và diện mạo tiếng Việt ở thời kì đầu hiện đang được giới nghiên cứu trong và ngoài nước tiếp tục đi sâu tìm hiểu. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng: Ngay từ thời dựng nước, trong quá trình giao hoà với nhiều dòng ngôn ngữ trong vùng, tiếng Việt với cội nguồn Nam Á đã sớm tạo dựng được một cơ sở vững chắc để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển trước sự xâm nhập ồ ạt của ngôn ngữ văn tự Hán ở những thế kỉ đầu Công nguyên.

2. Tiếng Việt trong thời kì Bắc thuộc và chống Bắc thuộc

Như đã trình bày ở phần trên, trong quá trình phát triển, tiếng Việt đã có quan hệ tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ khác trong khu vực. Ví dụ như với tiếng Thái chẳng hạn, những từ như đồng, rẫy, buộc, ngắt, ngọn,... đã được chứng minh là có sự giống nhau ở mức độ nhất định về ngữ âm và ngữ nghĩa với những từ tương ứng trong tiếng Thái.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, sự tiếp xúc giữa tiếng Việt và tiếng Hán đã diễn ra lâu dài nhất và sâu rộng nhất. Thời Bắc thuộc, tiếng Hán theo nhiều ngả đường đã truyền vào Việt Nam. Với chính sách đồng hoá của phong kiến phương Bắc, tiếng Việt bị chèn ép nặng nề. Nhưng, thời gian gần một nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, xét riêng về mặt ngôn ngữ, cũng là thời gian đấu tranh để bảo tồn và phát triển tiếng nói của dân tộc.

Tiếng Việt, với nguồn gốc Nam Á, có nhiều đặc trưng khác tiếng Hán vốn không cùng nguồn gốc và không có quan hệ họ hàng. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp xúc, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tiếng Việt đã vay mượn rất nhiều từ ngữ Hán. Chiều hướng chủ đạo của việc vay mượn này là Việt hoá, trước hết là về mặt âm đọc, sau đó là về mặt ý nghĩa và phạm vi sử dụng. Với hướng Việt hoá mặt âm đọc của chữ Hán, dần dần qua nhiều thế kỉ, người Việt đã xác lập được cách đọc chữ Hán riêng biệt, gọi là cách đọc Hán Việt (hoặc âm Hán Việt của chữ Hán).

Với cách đọc này, về nguyên tắc, có thể mượn bất cứ từ Hán nào thấy cần thiết, không gặp khó khăn về mặt cấu âm, phát âm. Như vậy, có thể vay mượn trọn vẹn những từ ngữ Hán, chỉ Việt hoá về âm đọc, còn ý nghĩa và kết cấu thì vẫn giữ nguyên như: tâm, tài, đức, mệnh, độc lập, tự do, gia đình, hạnh phúc,... Đây là phương thức vay mượn phổ biến nhất; ngoài ra, từ ngữ Hán cũng được vay mượn bằng nhiều cách khác như: rút gọn, đảo lại vị trí các yếu tố, đổi yếu tố (trong các từ ghép), đổi nghĩa hoặc thu hẹp, mở rộng nghĩa,...

Đặc biệt, nhiều từ ngữ Hán được Việt hoá dưới hình thức sao phỏng, dịch nghĩa ra tiếng Việt. Ví dụ: đan tâm thành lòng son, cửu trùng thành chín lần, chín tầng; hồng nhan thành má hồng; thanh thiên thành trời xanh; thanh sử thành sử xanh,... Nhiều từ ngữ Hán đã chuyển đổi sắc thái tu từ khi dùng trong tiếng Việt. Ví dụ: từ thủ đoạn, trong tiếng Hán vốn không có nghĩa xấu, nhưng về sau lại có nghĩa xấu trong tiếng Việt.
Nhiều từ Hán đã được dùng như yếu tố tạo từ để tạo ra nhiều từ ghép chỉ thông dụng trong tiếng Việt.
Ví dụ:
sĩ diện (Hán + Hán)
bao gồm (Hán + Việt)
sống động (Việt + Hán)

Trong thời kì Bắc thuộc, tiếng Việt đã phát triển mạnh mẽ, một phần là nhờ những cách thức vay mượn theo hướng Việt hoá nói trên. Những cách thức Việt hoá đó đã làm phong phú cho tiếng Việt cả ở những thời kì sau này và cho đến tận ngày nay.

3. Tiếng Việt dưới thời kì độc lập tự chủ

Bắt đầu từ thế kỉ XI, cùng với việc xây dựng và củng cố thêm một bước nhà nước phong kiến độc lập ở nước ta, Nho học dần dần được đề cao và giữ vị trí độc tôn. Việc học ngôn ngữ - văn tự Hán được các triều đại Việt Nam chủ động đẩy mạnh. Một nền văn chương chữ Hán mang sắc thái Việt Nam hình thành và phát triển. Điều cần chú ý là, những sự việc kể trên, nhìn chung, trên thực tế đã không ngăn chặn sự trưởng thành và phát triển của tiếng Việt. Trái lại, chính nhờ những hoạt động ngôn ngữ - văn hoá được đẩy mạnh, trong đó có việc vay mượn từ ngữ Hán theo hướng Việt hoá, tiếng Việt ngày càng thêm phong phú, tinh tế, uyển chuyển. Dựa vào việc vay mượn một số yếu tố văn tự Hán, một hệ thống chữ viết đã được xây dựng nhằm ghi lại tiếng Việt. Đó là chữ Nôm. Nhờ có chữ Nôm, ngày nay chúng ta có thể thấy được khá cụ thể diện mạo của tiếng Việt văn học, muộn nhất là từ thế kỉ XIII trở đi.

Với chữ Nôm, tiếng Việt ngày càng khẳng định những ưu thế của mình trong sáng tác thơ văn, ngày càng trở nên tinh tế, trong sáng, uyển chuyển, phong phú. Có thể thấy rõ điều này qua những vần thơ tuyệt diệu, đầy màu sắc, âm thanh, hình ảnh, hàm chứa những tình cảm lớn lao, sâu sắc, ví dụ như:
Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non.
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn,
Bộ khôn bằng ngựa, thuỷ khôn bằng thuyền.
(Chinh phụ ngâm, bản dịch)
Hoặc như
Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Tiếng Việt ở thời kì sau này đã rất gần với tiếng Việt thời hiện đại.

4. Tiếng Việt trong thời kì Pháp thuộc

Dưới thời Pháp thuộc, mặc dù chữ Hán mất địa vị chính thống, nhưng tiếng Việt vẫn tiếp tục bị chèn ép. Ngôn ngữ hành chính, ngoại giao, giáo dục lúc này là tiếng Pháp. Nhưng cùng với sự thông dụng của chữ quốc ngữ và việc tiếp nhận những ảnh hưởng tích cực của ngôn ngữ - văn hoá phương Tây (chủ yếu là ngôn ngữ - văn hoá Pháp), văn xuôi tiếng Việt hiện đại đã nhanh chóng hình thành và phát triển. Báo chí, sách vở tiếng Việt (chữ quốc ngữ) ra đời và ngày càng nhiều. Những câu văn viết theo kiểu biền ngẫu hoặc gò bó trong những khuôn khổ chật hẹp đã được mở rộng ra, trở nên rành mạch, trong sáng hơn.

Nhiều thể lại mới như văn xuôi nghị luận chính trị - xã hội, văn xuoi phổ biến khoa học – kĩ thuật, tiểu thuyết, kịch đã xuất hiện và dần dần chiếm lĩnh những vịt rí mà trước đây vẫn là vị trí của văn xuôi chữ Hán và thơ phú cổ điển. Nhều từ ngữ, thuật ngữ mới đã được sử dụng, tuy chủ yếu vẫn là từ Hán Việt (như chính đảng, giai cấp, kinh tế, hiện thực, lãng mạn,... bán kính, ẩn số), hoặc từ gốc Pháp (như săm, lốp, axit, badơ, ỗi,...). Thơ mới xuất hiện với hình thức ngôn từ không bị ràng buộc về số chữ, số câu, về bằng trắc, niêm luật, đối ngẫu,...; tiểu thuyết lãng mạn và hiện thực nở rộ vào khoảng những năm 30 của thế kỉ XX.

Những hoạt động sôi nổi của văn chương, báo chí làm cho tiếng Việt càng thêm phong phú, uyển chuyển. Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời và nhất là sau khi bản Đề cương văn hoá Việt Nam được công bố vào năm 1943, tiếng Việt còn góp phần tích cực vào công cuộc tuyên truyền cách mạng, kêu gọi toàn dân đoàn kết đấu tranh tiến lên giành độc lập, tự do cho đất nước. Cũng từ đó, tiếng Việt ngày càng tỏ rõ tính năng động và tiềm năng phát triển dồi dào, đủ sức vươn lên đảm đương trách nhiệm nặng nề trong giai đoạn mới.

Riêng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, tiếng Việt cũng tỏ rõ khả năng thích ứng cao. Có thể nêu vấn đề xây dựng thuật ngữ khoa học làm ví dụ để minh chứng.

Xây dựng hệ thống thuật ngữ khoa học là nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với việc nghiên cứu, giảng dạy và phổ biến khoa học bằng tiếng Việt. Trước năm 1945, nhiều nhà trí thức đã quan tâm đến công việc này, ví dụ như: GS. Hoàng Xuân Hãn công bố quyển Danh từ khoa học năm 1942.

5. Tiếng Việt từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay

Sau Cách mạng tháng Tám, đặc biệt là sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (năm 1954), công cuộc xây dựng hệ thống thuật ngữ khoa học nói riêng và chuẩn hoá tiếng Việt nói chung đã được tiến hành một cách mạnh mẽ hơn. Kết quả là hầu hết các ngành khoa học – kĩ thuật hiện đại đều đã biên soạn được những tập sách thuật ngữ chuyên dùng, chủ yếu dựa trên ba cách thức sau đây:

- Phiên âm thuật ngữ khoa học của phương Tây (chủ yếu là qua tiếng Pháp). Ví dụ: acide -> axit (a-xít), amibe -> amip (a-míp).
- Vay mượn thuật ngữ khoa học – kĩ thuật qua tiếng Trung Quốc (đọc theo âm Hán Việt). Ví dụ: sinh quyển, môi sinh.
- Đặt thuật ngữ thuần Việt (dịch ý hoặc sao phỏng). Ví dụ: vùng trời (thay cho không phận); thiếu máu (thay cho bần huyết); âm gốc lưỡi, nồi hơi, máy thổi lò cao,...

Nhìn chung, những thuật ngữ khoa học hiện đang thông dụng trong tiếng Việt đều đạt được tính chuẩn xác, tính hệ thống, giản tiện, phù hợp với tập quán sử dụng ngôn ngữ của người Việt Nam.

Với bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước đồng bào cả nước và nhân dân toàn thế giới vào ngày 2-9-1945, tiếng Việt đã có được vị trí xứng đáng của mình trong một nước Việt Nam độc lập, tự do. Chức năng xã hội của tiếng Việt được mở rộng. Nó đã thay thế hoàn toàn tiếng Pháp trong các lĩnh vực hoạt động của nhà nước và của toàn dân, kể cả lĩnh vực đối ngoại. Tiếng Việt được dùng ở mọi bậc học (từ phổ thông cho tới đại học, và sau này là trên đại học) và ở mọi lĩnh vực nghiên cứu khoa học từ thấp tới cao. Được coi như ngôn ngữ quốc gia, tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ đa chức năng như ngôn ngữ của các nước tiên tiến trênt hế giới, góp phần tích cực vào những hoạt động rộng lớn, nhằm nâng cao dân trí, phát triển văn hoá, khoa học – kĩ thuật chung cho cả khối cộng đồng nhiều dân tộc, giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

GHI NHỚ
- Lịch sử tiếng Việt gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Tiếng Việt thuộc họ ngôn ngữ Nam Á, dòng Môn-Khmer và có quan hệ gần gũi với tiếng Mường. Qua hàng ngàn năm phát triển, tiếng Việt ngày càng trở nên phong phú, tinh tế, uyển chuyển, có đầy đủ khả năng đảm đương vai trò ngôn ngữ quốc gia trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

II- CHỮ VIẾT CỦA TIẾNG VIỆT

Chữ viết là công cụ đắc lực cho hoạt động ngôn ngữ - văn hoá. Chính vì vậy, để đáp ứng những yêu cầu của xã hội trên con đường phát triển, các dân tộc đều cố gắng xây dựng một hệ thống chữ viết, hoặc tự sáng tạo ra, hoặc vay mượn, cải tiến chữ viết của các ngôn ngữ khác, để ghi lại ngôn ngữ của dân tộc mình.

Theo truyền thuyết dã sử, từ thời xa xưa, người Việt cổ đã có chữ viết riêng. Sử sách Trung Quốc đã mô tả hình dạng thứ chữ viết này trông như “đàn nòng nọc đang bơi”. Với trình độ phát triển của quốc gia Văn Lang – Âu Lạc, việc người Việt cổ có thể sử dụng một hệ thống chữ viết riêng trong lĩnh vực quản lí, điều hành xã hội là một điều hợp lí. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cho đến nay, chúng ta chưa tìm thấy dấu tích rõ ràng của thứ chữ viết ấy. Thế rồi, cùng với sự du nhập và truyền bá ngôn ngữ - văn tự Hán, chữ Nôm đã xuất hiện. Chữ Nôm là một hệ thống chữ viết ghi âm, dùng chữ Hán hoặc bộ phận chữ Hán được cấu tạo lại để ghi tiếng Việt theo nguyên tắc ghi âm tiết, trên cơ sở cách đọc chữ Hán của người Việt (âm Hán Việt). Nhờ có chữ Nôm, nhiều chứng tích của tiếngViệt cổ xưa đã được bảo tồn, nhiều tác phẩm văn học có giá trị đã được lưu truyền. Có thể khẳng định rằng chữ Nôm là một thành quả văn hoá lớn của dân tộc. Tuy nhiên, hệ thống chữ viết này còn có nhược điểm. Chữ Nôm không thể đánh vần được, học chữ nào biết chữ ấy. Muốn học chữ Nôm một cách thuận lợi thì lại phải có một vốn chữ Hán nhất định.

Vào nửa đầu thế kỉ XVII, một số giáo sĩ phương Tây đã dựa vào bộ chữ cái La-tinh để xây dựng một thứ chữ mới ghi âm tiếng Việt, nhằm phục vụ cho việc truyền giảng đạo Thiên Chúa, sau này được gọi là chữ quốc ngữ. Công việc này chắc hẳn do nhiều người phương Tây thuộc các quốc tịch khácnhau cùng làm và đã phải trải qua một quá trình tìm tòi, nghiên cứu khá lâu dài. Nhiều thế hệ người Việt Nam cũng đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chữ viết mới mẻ này.

Chữ quốc ngữ ở thời kì đầu chưa phản ánh một cách khoa học cơ cấu ngữ âm tiếng Việt, còn chịu nhiều ảnh hưởng của cách ghi âm theo tiếng nước ngoài. Ví dụ: để ghi từ sách trong tiếng Việt, người ta đã từng viết sayc; để ghi từ ông nghè, người ta đã viết theo nhiều cách khác nhau: ungne, ounghe, ounguch,... Tuy nhiên, nhờ có chữ quốc ngữ của thời đó, chúng ta cũng đã được thấy một số nét cổ xưa của tiếng Việt. Ví dụ:
xưa – nay
bó ngựa – vó ngựa
blái núi – trái núi
mlát chém – nhát (lát) chém
mlời - lời

Trong vòng gần hai thế kỉ tiếp theo, chữ quốc ngữ được cải tiến từng bước và cuối cùng đã đạt tới hình thức ổn định và hoàn thiện ngày nay. Chữ quốc ngữ là thứ chữ đơn giản về hình thể kết cấu, sử dụng các chữ cái La-tinh vốn rất thông dụng trên toàn thế giới. Ở chữ quốc ngữ, giữa chữ và âm, giữa cách viết và cách đọc có sự phù hợp ở mức độ khá cao. Đó là ưu điểm mà một số hệ thống chữ viết khác không có, tuy cùng sử dụng bộ chữ cái La-tinh (ví dụ, với chữ viết của tiếng Anh chẳng hạn, nhiều khi viết giống nhau mà đọc khác nhau). Với chữ quốc ngữ, chỉ cần học thuộc lòng bảng chữ cái và cách ghép vần là có thể đọc được tất cả mọi chữ trong tiếng Việt.

Lúc đầu, chữ quốc ngữ chỉ là một công cụ truyền giáo, được dùng để ghi chép công việc trong nhà thờ, in kinh bổn giáo lí. Phạm vi sử dụng chỉ hạn chế trong các xứ đạo. Đầu thời kì Pháp thuộc, một số nhà nho đã bày tỏ sự ác cảm đối với thứ chữ của phương Tây này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chữ quốc ngữ vẫn tiếp tục được phổ biến và ngày càng sâu rộng. Vào cuối thế kỉ XIX đã thấy xuất hiện các văn bản chữ quốc ngữ ghi lại các truyện Nôm như Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên,... Một số sách kinh điển Nho học dịch ra tiếng Việt như Trung dung, Đại học,... cũng đã được in bằng chữ quốc ngữ. Cũng vào thời kì này, một vài tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ đã được lưu hành như Chuyện đời xưa, Chuyện khôi hài, Chuyến đi thăm Bắc Kì năm Ất Hợi (1876). Đầu thế kỉ XX, chữ Hán và chữ Nôm bị gạt bỏ khỏi lĩnh vực hành chính, học hành thi cử. Việc sử dụng chữ quốc ngữ được đẩy mạnh. Trái với những sĩ phu lớp trước, những người yêu nước trong phong trào Duy Tân đã thấy được ở chữ quốc ngữ những khả năng to lớn của một phương tiện mở mang dẩntí. Trên báo chí thời đó đã thấy xuất hiện những vần thơ cổ động cho thứ chữ này:
Trước hết phải học ngay quốc ngữ
Khỏi đôi đường tiếng chữ khác nhau.
Chữ ta ta đã thuộc làu
Nói ra nên tiếng nên câu nên lời...
Đông Kinh nghĩa thục - một tổ chức vận động cách mạng hồi đầu thế kỉ XX – đã ra sức cổ động cho việc học tập và phổ biến chữ quốc ngữ. Trong tài liệu Văn minh tân học sách do tổ chức này xuất bản, khi nêu sáu việc cần phải xúc tiến để mở mang dân trí, việc phổ biến rộng rãi chữ quốc ngữ được đưa lên hàng đầu.

Trong quá trình đấu tranh cách mạng để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, Đảng ta rất chú ý đến việc phổ cập chữ quốc ngữ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào “Truyền bá quốc ngữ” với tổ chức là Hội truyền bá quốc ngữ được triển khai rộng rãi và thu được nhiều kết quả khả quan.

Tháng Tám năm 1945, Cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi rực rỡ. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Từ đó, cùng với tiếng Viêtk, chữ quốc ngữ cũng đã giành được vị trí xứng đáng trong mọi lĩnh vực hoạt động của đất nước ta.

GHI NHỚ
- Chữ Nôm là một thành quả văn hoá lớn lao, biểu hiện ý thức độc lập tự chủ cao của dân tộc và là phương tiện sáng tạo nên một nền văn học chữ Nôm ưu tú, nhưng do có nhiều hạn chế nên đã được thay thế bằng chữ quốc ngữ, một hệ thống chữ viết ưu việt, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và sự phát triển của đất nước ta.
III- LUYỆN TẬP
1. Hãy tìm ví dụ để minh hoạ cho các biện pháp Việt hoá từ ngữ Hán được vay mượn đã nêu trong bài.
2. Anh (chị) cho biết cảm nhận của mình về những ưu điểm của chữ quốc ngữ với tư cách là công cụ phụ trợ của tiếng Việt.
3. Hãy tìm thêm ví dụ để minh học cho ba cách thức đặt thuật ngữ khoa học đã nêu trong bài.