Kể lại câu chuyện về chú bé Lượm theo hình thức tự sự (1)

Việt Nam / Lớp 6 » Tố Hữu » Lượm
Lớp 7 » Bài tập làm văn số 1: Văn tự sự và văn miêu tả

35.00
Ngày đó, Huế đang có chiến tranh xảy ra vô cùng gay go và ác liệt. Tôi đi công tác xa và bây giờ được trở về, chưa kịp vui mừng khi được trở lại quê nhà lòng tôi đã đau quặn lại khi nhìn thấy quê hương tôi ngày xưa đâu cả rồi mà giờ đây chỉ còn lại một đống đổ nát hoang tàn. Nhưng thấp thoáng đâu đó là hình ảnh những con người nơi đây vẫn vươn mình đứng dậy trong đống đổ nát, hoang tàn ấy. Từ những con người nhỏ bé, như hình ảnh chú bé Lượm cũng bằng chính sức lực của mình, giúp ích cho cách mạng, cho đất nước. Tôi sẽ kể lại câu chuyện về Lượm để các bạn cùng nghe.

Tôi trở về, chiến tranh cũng đã bớt tàn khố, tôi bước đi trên con phố Hàng Bè. Bỗng từ xa tôi thấy một cái bóng nhỏ, hình như đó là một chú bé với cái dáng cao, gầy. Chú bé ấy nhanh nhẹn tiến đến lại gần tôi. Nhìn tôi một lúc, chú ngập ngừng hỏi:

– Chú có phải là chú Tố Hữu không ạ?

Tôi thoáng ngạc nhiên về câu hỏi của chú bé; tôi nhìn chú, một dáng người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn; bên hông chú là một các xắc nhỏ, mỗi khi bước cái xắc lại đung đưa theo nhịp chân của chú.

Tôi trả lời và xoa đầu cậu bé:

– Đúng rồi, chú là Tố Hữu đây nhưng sao cháu lại biết tên chú?

Chú trả lời:

– Cháu là Lượm, hàng xóm nhà chú đây mà!

Tôi rất ngạc nhiên và vui mừng, tôi nói:

– Ra vậy, cháu là Lượm à? Nhìn cháu khác quá, chú không nhận ra.

Chú bé lém lỉnh trả lời, tôi thấy chú là một cậu bé tinh nghịch, điều đó thể hiện ngay trên chiếc mũ ca lô đội lệch của chú:

– Vậy là chú còn nhớ cháu rồi, chú bây giờ cũng khác quá làm cháu suýt nữa thì không nhận ra.

Tôi hỏi:

– Công việc hiện nay của cháu là gì?

Lượm nói:

– Cháu làm liên lạc chú à, ở đồn Mang Cá. Ở đây các anh, chị vui tính, yêu thương cháu vô cùng, cháu thấy thích hơn ở nhà, lại giúp ích cho đất nước được nữa chú ạ!

Tôi thấy vui và xúc động về hành động của chú bé; một cậu bé hồn nhiên, vui tươi, không quản ngại khó khăn gian khổ giúp ích cho nước nhà. Tôi thầm nghĩ nếu đất nước ta có nhiềucậu bé như Lượm thì chắc hẳn chiến tranh sẽ sớm kết thúc.

Lượm nói:

– Thôi, bây giờ cháu phải đi làm nhiệm vụ tiếp đây, cháu chào chú ạ!

Tôi lại nhìn chú, chú đang đi xa dần, Lượm cười híp cả hai mắt lại, má chú đỏ như trái bồ quân, đôi chân thoăn thoắt của Lượm đưa cậu bé đi xa dần. Tôi thầm mong được gặp lại chú trong ngày Huế chiến thắng. Bẵng đi một thời gian, tôi không hay tin tức gì về Lượm. Bỗng một hôm, khi đang làm việc, một người chiến sĩ của tôi chạy vào chỗ tôi và báo tin:

– Chiến tranh đáng sợ thật anh à, nó lại cướp đi mất một chiến sĩ liên lạc của chúng ta rồi. Chú bé Lượm, quê ở Huế, là người liên lạc quả cảm nhất của đội ta.

Tôi sững người và lắp bắp:

– Lượm… Lượm đã hi sinh rồi sao?

Tôi lặng người và lảo đảo ngồi xuống ghế. Tôi cứ bị ám ảnh mãi về hình ảnh của Lượm – một chú bé liên lạc quả cảm đã hi sinh. Dù chú bé đã ngã xuống như trong tay chú vẫn nắm bông lúa nhỏ như không muốn rời xa quê hương mình.

Tôi đã kể lại câu chuyện về Lượm cho các bạn và chính thế hệ sau nghe, tôi ngẫm nghĩ trong lòng: Nếu đất nước hoà bình, thống nhất, không có chiến tranh thì thế hệ trẻ các em bé như Lượm vẫn còn đang trong tuổi cắp sách đến trường, được nô đùa, vui chơi với các bạn. Một số em có khi vẫn còn làm nê, làm nũng bố mẹ. Ấy vậy mà hoàn cảnh nghiệt ngã của chiến tranh đã cướp đi những cái quyền nhỏ bé nhất của các em. Lượm là một tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau noi theo, một tấm gương về người chiến sĩ nhỏ anh hùng, quả cảm, gan dạ.