Kể diễn cảm truyện “Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng”

Việt Nam / Lớp 6 » Hồ Nguyên Trừng » Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng
Lớp 6 » Viết bài tập làm văn số 1: Văn kể chuyện

Chưa có đánh giá nào
I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:
- Truyện xảy ra vào thời vua Trần Anh Tông (1293 - 1314).
- Phạm Bân là một thầy thuốc giỏi, được vua tin cậy, ban cho chức Thái y lệnh (chức quan trông coi việc chữa bệnh trong cung).

2. Thân bài:

* Diễn biến của truyện:
- Quan thái y thường đem của cải trong nhà ra mua các loại thuốc tốt và tích trữ thóc gạo để cứu giúp người bệnh tật, nghèo đói.
- Gặp năm đói kém, dịch bệnh, ông dựng thêm nhà, chăm sóc và chữa bệnh, cứu sống hàng ngàn người.
- Tài năng và đức độ của ông khiến mọi người trọng vọng.
- Gặp tình huống khó xử, một bên là chữa bệnh cho quý nhân trong cung vua, một bên là cứu tính mạng cho người đàn bà nghèo, lương y chấp nhận đắc tội với vua, cứu người đàn bà nghèo trước.

3. Kết bài:

* Kết thúc truyện:
- Lòng nhân đức của Phạm Bân khiến vua cảm động và ban khen. Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng.
- Con cháu của lương y nối nghiệp ông một cách xứng đáng.

II. BÀI LÀM

Vào thời vua Trần Anh Tông (1293 - 1314), có một vị lương y nổi tiếng tài năng, đức độ tên là Phạm Bân. Nhà vua phong cho ông chức Thái y lệnh, trông coi về việc chăm sóc và chữa bệnh cho những người sống trong cung.

Phạm Bân thường đem tiền bạc, của cải trong nhà ra mua các loại thuốc quý nhất và tích trữ lúa gạo để giúp đỡ người nghèo. Ai đói ông cho ăn, ai rét ông cho mặc, ai bệnh tật ông chữa bệnh cho. Dầu bệnh có nặng đến đâu ông cũng không hề né tránh. Bệnh nhân tới nhà ông đông lắm, cứ chữa khỏi bệnh rồi đi, chẳng tốn kém gì.

Bỗng mấy năm liền, trời làm mất mùa, đói kém, dịch bệnh xảy ra khắp nơi. Phạm Bân cất thêm nhà cho những kẻ khốn cùng, đói khát và bệnh tật đến ở. Ông cứu sống được cả ngàn người. Tài năng và y đức của ông khiến cho người đời trọng vọng.

Lương y Phạm Bân rất thương người nghèo. Một hôm, có người gõ cửa mời gấp:
- Nhà tôi có người đàn bà bỗng nhiên nguy kịch, máu chảy như xối, mặt mày xanh lét, mời ngài đến xem cho!

Nghe vậy, lương y tức tốc đi theo nhưng vừa ra tới cửa thì gặp sứ giả của vua sai tới, bảo rằng:
- Trong cung có bậc quý nhân bị sốt, nhà vua triệu ông tới khám.

Phạm Bân trả lời:
- Bệnh đó không gấp. Nay mạng sống của người nhà người này chỉ ở trong khoảnh khắc. Để tôi cứu họ trước đã, lát nữa sẽ vào vương phủ.

Sứ giả tức giận mắng rằng:
- Phận làm tôi, sao ông dám nói như vậy? ông định cứu tính mạng người ta mà không nghĩ đến việc cứu mạng mình chăng?

Lương y Phạm Bân vẫn bình tĩnh phân trần:
- Tôi có mắc tội cũng không biết làm thế nào. Nếu người đàn bà kia không được cứu kịp thời sẽ chết, chẳng biết trông cậy vào đâu. Tính mạng của tôi còn trông cậy được vào chúa thượng, nếu ngài rộng lòng, may ra tôi thoát. Tội tôi, tôi xin chịu!

Nói rồi, để mặc sứ giả đứng đấy, ông vội vàng đi cứu người đàn bà nghèo. Quả nhiên, bà ta được cứu sống.

Xong xuôi, lương y vào triều yết kiến nhà vua. Vua quở trách, ông bỏ mũ, cúi đầu tạ tội và bày tỏ lòng thành của mình. Nghe xong, nhà vua mừng rỡ phán:
- Ngươi thật là bậc lương y chân chính, đã giỏi về nghề nghiệp lại có lòng nhân đức, biết thương xót đám dân đen con đỏ của ta. Ngươi thật xứng đáng với lòng ta mong mỏi. Từ tấm gương của ngươi, ta suy ra rằng thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng.

Về sau, con cháu của Phạm Bân cũng nối nghiệp cha ông, làm quan lương y đến hàng ngũ phẩm, tứ phẩm trong triều đình. Tuy vậy, họ vẫn để tâm chữa bệnh cứu giúp người nghèo. Họ đã xứng đáng với tên tuổi của Thái y Phạm Bân để lại cho đời.
Nguồn: Những bài làm văn lớp 6 (Dùng cho Phụ huynh, giáo viên tham khảo, Bồi dưỡng học sinh giỏi), Trần Thị Thìn, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2013