Hồ Nguyên Trừng

Việt Nam / Lớp 6

Tác giả

Hồ Nguyên Trừng 胡元澄 (1374-1446) còn có tên là Lê Trừng, là nhà kỹ thuật quân sự, là một công trình sư lỗi lạc. Hồ Nguyên Trừng, trước để họ Lê, tự là Mạnh Nguyên 孟源, hiệu Nam Ông 南翁, là người huyện Vĩnh Phúc, lộ Thanh Hoa (nay thuộc tỉnh Thanh Hoá). Ông là con trai cả của vua Hồ Quý Ly, và là anh của vua Hồ Hán Thương. Dưới triều nhà Trần, Hồ Nguyên Trừng từng giữ chức Thượng Lân tự, Tư đồ. Đầu năm 1400, cha ông truất ngôi Trần Thiếu Đế, tự lên ngôi vua, lập nên nhà Hồ. Sau đó, Hồ Nguyên Trừng được cử làm Tả tướng quốc.

Năm 1406, lấy cớ “phù Trần diệt Hồ”, vua nhà Minh sai Trương Phụ và Mộc Thạnh mang 80 vạn quân sang đánh nước Việt. Nhiều lần, Hồ Nguyên Trừng được giao nhiệm vụ cầm quân chống lại. Việc ông lập một phòng tuyến chống giặc bắt đầu bằng cứ điểm then chốt Đa Bang (Ba Vì) kéo dài theo bờ Nam Sông Đà, sông Hồng cho đến sông Ninh (Nam Hà) rồi lại tiếp tục theo bờ sông Luộc, sông Thái Bình đến Bình Than dài trên 400 km. Hồ Nguyên Trừng cũng sáng tạo ra cách đánh độc đáo: ông cho đúc nhiều dây xích lớn chăng qua những khúc sông hiểm trở, kết hợp với quân mai phục trang bị bằng hoả lực mạnh. Hồ Nguyên Trừng tổ chức những xưởng đúc súng lớn. Ông đã phát minh, chế tạo ra nhiều loại súng có sức công phá mạnh. Từ việc cải tiến súng, chế thuốc súng, hiểu rõ sức nổ của thuốc đạn Hồ Nguyên Trừng phát minh ra phương pháp đúc súng mới gọi là súng “thần cơ”.

Ngày 12 tháng 5 năm Đinh Hợi (tức 17 tháng 6 năm 1407), cả ba cha con ông và người cháu là Hồ Nhuế (con Hồ Hán Thương) đều bị quân nhà Minh bắt tại Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), rồi bị áp giải về Kim Lăng (Nam Kinh, Trung Quốc). Kể từ đó, nhà Hồ mất, cả nước Việt rơi vào ách thống trị của nhà Minh. Minh Thành Tổ sau khi hỏi tội cha con Hồ Quý Ly trước tiều, đã tha tội cho Hồ Nguyên Trừng và các con nhỏ trong gia đình.

Năm 1426, đời Minh Tuyên Tông, Lê Trừng (tức Hồ Nguyên Trừng sau khi được tha tội) làm việc cho bộ Công của nhà Minh. Ông bị vạch tội lên vua Minh vì làm việc 9 năm mà không khai báo lý lịch. Vua Minh cho rằng ông đã được Minh Thành Tổ tha tội nên không truy cứu. Năm 1428, ông được thăng tới chức Tả thị lang của bộ Công, được trả lương bằng gạo.

Biết được Hồ Nguyên Trừng (và Hồ Nhuế) có tài năng, vua Minh Anh Tông cho ân xá, nhưng buộc phải đổi họ khác (vì không thừa nhận gia đình ông là dòng dõi Ngu Thuấn). Vì vậy ở sách Nam Ông mộng lục, tác giả đề tên là Lê Trừng (黎澄, đổi lại họ Lê như cũ).

Sau, ông chế tạo được súng thần công, nên lại được làm quan ở bộ Công, thăng đến chức Tả thị lang như lời ông đề ở cuối bài Tựa trong quyển Nam Ông mộng lục. Trong Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn nhắc đến một tình tiết: “quân Minh khi làm lễ tế súng đều phải tế Trừng”.

Theo Minh sử, thì Hồ Nguyên Trừng được thăng chức Công bộ Thượng thư (1445) được một năm thì mất, thọ 73 tuổi. Sau đó, triều Minh cho con ông là Lê Thúc Lâm (trước đó đang làm Chuyển vận sứ ở Diêm vận ty tỉnh Sơn Đông) làm Trung thư xá nhân, tiếp tục lo việc chế tạo quân khí. Hiện mộ phần Lê Trừng (tức Hồ Nguyên Trừng), Lê Thúc Lâm và Lê Thế Vinh (con Thúc Lâm, cũng làm quan cho triều Minh, có sách ghi là Thế Ninh) đều ở tại thôn Nam An Hà, thuộc thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày nay.

Tác phẩm:

Khi sống cuộc đời lưu vong ở Trung Quốc, Hồ Nguyên Trừng đã soạn ra cuốn Nam Ông mộng lục (Chép lại những giấc mộng của Nam Ông), gồm 31 thiên, nhưng hiện chỉ còn 28 thiên. Đây là tập hồi ký chữ Hán đầu tiên và là tác phẩm đầu tiên mở đường cho khuynh hướng viết về người thực, việc thực trong văn xuôi tự sự Việt Nam.