Chữ người tử tù

Việt Nam / Lớp 11 » Nguyễn Tuân

Chưa có đánh giá nào

Nội dung

Nhận được phiến trát của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường, Viên quan coi ngục quay lại hỏi thầy thơ lại giúp việc trong đề lao:
– Này, thầy bát, cứ công văn này, thì chúng ta sắp nhận được sáu tên tù án chém. Trong đó, tôi nhận thấy tên đứng đầu bọn phản nghịch là Huấn Cao. Tôi nghe ngờ ngợ. Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?

Thầy thơ lại xin phép đọc công văn.
– Dạ, bẩm chính y đó. Dạ bẩm có chuyện chi vậy?

– Không, tôi nghe tên quen quen và thấy nhiều người nhắc nhỏm đến cái danh đó luôn, thì tôi cũng hỏi thế thôi. Thôi, cho thầy lui. À, nhưng mà thong thả. Thầy bảo ngục tốt nó quét dọn lại cái buồng trong cùng. Có việc dùng đến. Thầy liệu cái buồng giam đó có cầm giữ nổi một tên tù có tiếng là nguy hiểm không? Thầy có nghe thấy người ta đồn Huấn Cao, ngoài cái tài viết chữ tốt, lại còn có tài bé khoá và vượt ngục nữa không?

– Dạ bẩm, thế ra y văn võ đều có tài cả. Chà chà!

– Ờ cũng gần như vậy. Sao thầy lại chặc lưỡi

– Tôi thấy những người có tài thế mà đi làm giặc thì đáng buồn lắm. Dạ bẩm, giả thử tôi là đao phủ, phải chém những người như vậy, tôi nghĩ mà thấy tiêng tiếc.

– Chuyện triều đình quốc gia, chúng ta biết gì mà bàn bạc cho thêm lời. Nhỡ ra lại vạ miệng thì khốn. Thôi, thầy lui về mà trông nom việc dưới trại giam. Mai, chúng ta phải dậy sớm để cho có mặt ở cửa trại trước khi lính tỉnh trao tù cho mình lĩnh nhận. Đêm nay, thầy bắt đầu lấy thêm lính canh. Mỗi chòi canh, đều đặt hai lính. Chòi nào bỏ canh, hễ mỗi vọng canh ngủ quên không đánh kiêng, đánh mõ, thầy nhớ biên cho rõ, cho đúng để mai tôi phạt nặng. Chớ có cho mấy thằng thập nó đánh bạc nghe!

Thầy thơ lại rút chiếc hèo hoa ở giá gươm, phe phẩy roi, đi xuống phía trại giam tối om. Nơi góc chiếc án thư cũ đã nhợt màu vàng son, một cây đèn đế leo lét rọi vào một khuôn mặt nghĩ ngợi. Ngục quan băn khoăn ngồi bóp thái dương. Tiếng trống thành phủ gần đấy đã bắt đầu thu không. Trên bốn chòi canh, ngục tết cũng bắt đầu điểm vào cái quạnh quẽ của trời tối mịt, những tiếng kiểng và mõ đều đặn thưa thớt. Lướt qua cái thăm thẳm của nội cỏ đẫm sương, vẳng từ một làng xa đưa lại mấy tiếng chó sủa ma. Trong khung cửa sổ có nhiều con song kẻ những nét đen thẳng lên nền trời lốm đốm tinh tú, một ngôi sao Hôm nhấp nháy như muốn trụt xuống phía chân giời không định. Tiếng dội chó sủa ma, tiếng trống thành phủ, tiếng kiêng mõ canh nổi lên nhiều nhiều. Bấy nhiêu thanh âm phức tạp bay cao lần lên khỏi mặt đất tối, nâng đỡ lấy một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ.

Nơi góc án thư vàng đã nhọt, son đã mờ, đĩa dầu sở trên cây đèn nến vơi lần mực dầu. Hai ngọn bấc lép bép nổ, rụng tàn đèn xuống tập giấy bản đóng dấu son ti Niết. Viên quan coi ngục ngấc đầu, lấy que hương khêu thêm một con bấc. Ba cái tim bấc được chụm nhau lại, cháy bùng to lên, soi tỏ mặt người ngồi đấy.

Người ngồi đấy, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo của một bộ mặt tư lự, bây giờ đã biến mất hẳn. Ở đấy, giờ chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ.

Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong tréo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ.

Ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt.

Ngục quan lấy làm nghĩ ngợi về câu nói ban chiều của thầy thơ lại: “Có lẽ lão bát này, cũng là một người khá đây. Có lẽ hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi. Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài hẳn không phải là kẻ xấu hay là vô tình. Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại, nhưng chỉ sợ tên bát phẩm thơ lại này đem cáo giác với quan trên thì khó mà ở yên. Để mai ta dò ý tứ hắn lần nữa xem sao rồi sẽ liệu.

Sớm hôm sau, lính tỉnh dẫn đến cửa ngục thất sáu tên tù mà công văn chiều hôm qua đã báo trước cho ngục quan biết rõ tên tuổi, làng xóm và tội hình. Sáu phạm nhân mang chung một chiếc gông dài tám thước. Cái thang dài ấy đặt ngang trên sáu bộ vai gầy. Cái thang gỗ lim nặng, đóng khung lấy sáu cái cổ phiến loạn nếu đem bắc lên mỏ cân, có thể nặng đến bảy, tám tạ. Thật là một cái gông xứng đáng với tội án sáu người tử tù. Gỗ thân gông đã cũ và mồ hôi cổ, mồ hôi tay kẻ phải đeo nó đã phủ lên một nước quang dầu bóng loáng. Những đoạn gông đã bóng thì loáng như có người đánh lá chuối khô. Những đoạn không bóng thì lại xỉn lại những chất ghét đen sánh. Trong khi chờ đợi cửa ngực mở rộng, Huấn Cao, đứng đầu gông, quay cổ lại bảo mấy bạn đồng chí:
– Rệp cắn tôi, đỏ cả cổ lên rồi. Phải dỗ gông đi.

Sáu người đều quỳ cả xuống đất, hai tay ôm lấy thành gông đầu cúi cả về phía trước. Một tên lính áp giải đùa một câu:
– Các người chả phải tập nữa. Mai mốt chi đây sẽ có người sành sỏi dẫn các người ra làm trò ở pháp trường. Bấy giờ tha hồ mà tập. Đứng dậy không ông lại phết cho mấy hèo bây giờ.

Huấn Cao, lạnh lùng chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái. Then ngang chiếc gông bị giật mạnh, đập vào cổ năm người sau, làm họ nhăn mặt. Một trận mưa rệp đã làm nền đá xanh nhạt lấm tấm những điểm nâu đen.
Cánh cửa đề lao mở rộng.

Sáu người né mình tiến vào như một bọn thợ nề, thận trọng khiêng cái thang gỗ đặt ngang trên vai.

Trái với phong tục nhận tù mọi ngày, hôm nay viên quan coi ngục nhìn sáu tên tù mới vào với cặp mắt hiền lành. Lòng kiêng nể, tuy cố giữ kín đáo mà cũng đã rõ quá rồi. Khi kiểm điểm phạm nhân, ngục quan lại còn có biệt nhỡn đối riêng với Huấn Cao. Bọn lính lấy làm lạ, đều nhắc lại:
– Bẩm thầy, tên ấy chính là thủ xướng. Xin thầy để tâm cho. Hắn ngạo ngược và nguy hiểm nhất trong bọn.

Mấy tên lính, khi nói đến tiếng “để tâm” có ý nhắc viên quan coi ngục còn chờ đợi gì mà không giở những mánh khoé hành hạ thường lệ ra.
Ngục quan ung dung:
– Ta biết rồi, việc quan ta đã có phép nước. Các chú chớ nhiều lời.

Bọn lính dãn cả ra, nhìn nhau và không hiểu. Sáu tên tử tù cứ ngạc nhiên về thái độ quản ngục.

Suốt nửa tháng, ở trong buồng tối, ông Huấn Cao vẫn thấy một người thơ lại gầy gò đem rượu đến cho mình uống trước giờ ăn bữa cơm tù. Mỗi lúc dâng rượu với đồ nhắm, người thơ lại lễ phép nói:
– Thầy quản chúng tôi có ít quà mọn này biếu ngài dùng cho ấm bụng. Trong buồng đây, lạnh lắm.

Ông Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm. Rồi đến một hôm, quản ngục mở khoá cửa buồng kín, khép nép hỏi ông Huấn:
– Đối với những người như ngài, phép nước ngặt lắm. Nhưng biết ngài là một người có nghĩa khí, tôi muốn châm chước ít nhiều. Miễn là ngài giữ kín cho. Sợ đến tai lính tráng họ biết, thì phiền luỵ riêng cho tôi nhiều lắm. Vậy ngài có cần thêm gì nữa xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất.

Ông đã trả lời quản ngục:
– Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây.

Khi nói câu mà ông cố ý làm ra khinh bách đến điều, ông Huấn đã đợi một trận lôi đình báo thù và những thủ đoạn tàn bạo của quan ngục bị sỉ nhục. Đến cái cảnh chết chém, ông còn chẳng sợ nữa là những trò tiểu nhân thị oai này. Ngục quan đã làm cho ông Huấn bực mình thêm, khi nghe xong câu trả lời, y chỉ lễ phép lui ra với một câu: “Xin lĩnh ý”. Và từ hôm ấy, cơm rượu lại vẫn đưa đến đều đều và có phần hậu hơn trước nữa; duy chỉ có y là không để chân vào buồng giam ông Huấn. Ông Huấn càng ngạc nhiên nữa: năm bạn đồng chí của ông cũng đều được biệt đãi như thế cả.

Có nhiều đêm, ngoài việc nghĩ đến chí lớn không thành, ông Huấn Cao còn phải bận tâm nghĩ đến sự tươm tất của quản ngục. “Hay là hắn muốn dò đến những điều bí mật của ta?”. “Không, không phải thế, vì bao nhiêu điều quan trọng, ta đã khai bên ti Niết cả rồi. Ta đã nhận cả. Lời cung ta kí rồi. Còn có gì nữa mà dò cho thêm bận”.

Trong đề lao, ngày đêm của tử tù đợi phút cuối cùng, đúng như lời thơ xưa, vẫn đằng đẵng như nghìn năm ở ngoài. Viên quản ngục không lấy làm oán thù thái độ khinh bạc của ông Huấn. Y cũng thừa tiểu những người chọc trời quấy nước, đến trên đầu người ta, người ta cũng còn chẳng biết có ai nữa, huống chi cái thứ mình chỉ là một kẻ tiểu lại giữ tù.

Quản ngục mong mỏi một ngày gần đây ông Huấn sẽ dịu bớt tính nết, thì y sẽ nhờ ông viết, ông viết cho... cho mấy chữ trên chục vuông lụa trắng đã mua sẵn và can lại kia. Thế là y mãn nguyện.

Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời. Viên quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ. Không can đảm giáp lại mặt một người cách xa y nhiều quá, y chỉ lo mai mốt đây, ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời mất.

Một buổi chiều lạnh, viên quản ngục tái nhợt người đi sau khi tiếp đọc công văn Quan Hình bộ Thượng thư trong kinh bắt giải ông Huấn Cao và các bạn đồng chí ông vào kinh. Pháp trường lập ở trong ấy kia. Ngày mai, tinh mơ, sẽ có ngưò'đến giải tù đi.

Viên quản ngục vốn đã tin được thầy thơ lại, cho lính gọi lên, kể rõ tâm sự mình. Thầy thơ lại cảm động nghe xong chuyện, nói: “Dạ bẩm, ngài cứ yên tâm, đã có tôi rồi chạy ngay xuống phía trại giam ông Huấn, đấm cửa buồng giam, hớt hơ hớt hải kể cho tử tù nghe rõ nỗi lòng viên quản ngục, và ngập ngừng báo luôn cho ông Huấn biết việc về kinh chịu án tử hình.

Ông Huấn Cao lặng nghĩ một lát rồi mỉm cười: “Về bảo với chủ ngươi, tối nay, lúc nào lính canh về trại nghỉ, thì đem lụa, mực, bút và một bó đuốc xuống đây ta cho chữ. Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi. Ta cảm cái tấm ông biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ.

Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vắng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián.

Trong một không khí khói toả như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc toả cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa.

Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực. Thay bút con, đề xong lạc khoản, ông Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc bảo:
– Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?... Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.

Lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống nền đất ẩm phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo.

Ba người nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau.

Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.
Truyện ngắn Chữ người tử tù lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng, in năm 1938 trên tạp chí Tao đàn, sau đó được tuyển in trong tập truyện Vang bóng mót thời và đổi tên thành Chữ người tủ tù. Vang bóng một thời khi Nguyễn Tuân in lần đầu (1940) gồm 11 truyện ngắn, là tác phẩm kết tinh tài năng của Nguyễn Tuân trước Cách mạng, được nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét là “một văn phẩm đạt gần tới sự toàn thiện, toàn mĩ”. Nhân vật chính trong Vang bóng một thời phần lớn là những nho sĩ cuối mùa những con người tài hoa, bất đắc chí. Gặp lúc Hán học suy vi, sống giữa buổi “Tây Tàu nhố nhăng”, những con người này, mặc dù buông xuôi bất lực nhưng vẫn mâu thuẫn sâu sắc với xã hội đương thời. Họ không chịu a dua theo thời, chạy theo danh lợi mà vẫn cố giữ “thiên lương” và sự trong sạch của tâm hồn”. Họ dường như cố ý lấy “cái tôi, tài hoa, ngông nghênh của mình để đối lập với xã hội phàm tục; phô diễn lối sống đẹp, thanh cao của mình như một thái độ phản ứng trật tự xã hội đương thời. Trong số những con người tài hoa ấy, nổi bật lên hình tượng ông Huấn Cao trong Chữ người tử tù, một con người tài hoa, không chỉ có tài mà còn có cái tâm trong sáng; mặc dù chí lớn không thành những tư thế vẫn hiên ngang, bất khuất.

(Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập I, NXB Văn học, Hà Nội, 1982)