Chứng minh rằng “Đây mùa thu tới” và “Thơ duyên” của Xuân Diệu cùng viết về mùa thu nhưng với những hình ảnh và cảm xúc khác nhau - gợi ý làm bài

Việt Nam » Xuân Diệu » Đây mùa thu tới

14.00
Bài Đây mùa thu tới: Nhà thơ bộc lộ những cảm nhận tinh tế về thiên nhiên trong thời điểm giao mùa, lúc mùa thu tới.

+ Trước hết, mùa thu được cảm nhận bằng thị giác với những hình ảnh: rặng liễu (đìu hiu đứng chịu tang, Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng), lá vàng (dệt thành “áo mơ phai”); hoa rụng cành; lá rũa màu xanh; nhánh cây khô gầy, mỏng manh; nàng trăng ngẩn ngơ; mây vẩn từng không; chim bay đi; khí trời u uất; thiếu nữ buồn không nói, tựa cửa như nghĩ ngợi gì.

+ Tiếp theo, mùa thu còn được cảm nhận bằng xúc giác với hình ảnh những đợt gió rét làm cành lá run rẩy, khiến cho “nàng trăng” trở nên nhạt nhoà, thấm vào lòng người khiến con người cũng ít hoạt động hơn.

+ Ngoài ra, mùa thu còn được cảm nhận bằng thính giác: “Đã nghe rét mướt”,... Đó là cảm nhận bằng sự chuyển đổi cảm giác, vì thế, nói đúng hơn, cái rét được cảm nhận bằng linh hồn của nhà thơ.

+ Ngoài những hình ảnh đặc trưng của mùa thu, hình ảnh “mùa thu tới” còn được diễn tả bằng ngôn ngữ “rất Tây” của Xuân Diệu: từ cách đặt tên cho bài thơ đến cách diễn đạt mới mẻ, đầy tính tạo hình ở những câu thơ cụ thể.

Những cảm nhận bằng các giác quan của thi sĩ và những cách diễn tả mới mẻ đã thể hiện một cách sinh động bước đi của mùa thu từ lúc mùa thu bắt đầu tới đến lúc sắc màu của nó tràn ngập cả không gian và xâm chiếm vào hồn người, thể hiện tâm trạng buồn,cô đơn của con người trước sự đổi thay của đất trời; qua đó gián tiếp thể hiện sự gắn bó thiết tha với cuộc đời của nhà thơ.

Bài Thơ duyên: Nhà thơ bộc lộ những cảm nhận tinh tế về thiên nhiên và lòng người trong “buổi ấy” – một buổi chiều thu.

+ Thiên nhiên và con người hiện lên qua hình ảnh về sự giao hoà, giao cảm giữa thiên nhiên với thiên nhiên, thiên nhiên với con người, con người với con người. Tất cả như hoà quyện với nhau, cặp đôi, cập vần với nhau: ánh chiều hoà thơ với cây cỏ, chim chóc cặp đôi ríu rít với nhau, lòng anh cưới lòng em,...

+ Thế giới của Thơ duyên, cảnh cũng như người, là thế giới được nhìn bằng một tâm hồn rất trẻ, “Lần đầu rung động nỗi thương yêu”. Đó là trái tim lần đầu biết yêu, lần đầu khát khao chuyện lứa đôi. Với nhãn quan ấy, nhìn ra thế giới, đâu đâu Xuân Diệu cũng thấy sự xôn xao, náo nức của khao khát được giao duyên.

Cảnh thu trong bài thơ không buồn như Đây mùa thu tới hay những bài thơ viết về mùa thu khác của Xuân Diệu, nhưng vẫn mang những đặc trưng cơ bản của mùa thu. Trong bài thơ, tâm hồn trong sáng của chàng trai mới biết yêu gặp gỡ cái thơ mộng của trời thu, sắc thu, tiếng thu đã dấy lên niềm khao khát lứa đôi – mặc dù mới chớm nở, e ấp nhưng đã náo nức, mê say. Qua đó, người đọc nhận thấy một “cái tôi” khác của Xuân Diệu – không phải là “cái tôi” bồng bột, sôi nổi mà lắng vào trong để cảm nhận cái xôn xao, náo nức của niềm giao cảm thầm kín và êm ái của vũ trụ và lòng người.