Chứng minh bà cụ Tứ trong tác phẩm “Vợ nhặt” là hiện thân của tình mẹ ấm áp, bao dung

Việt Nam / Lớp 12 » Kim Lân » Vợ nhặt

14.00
Kim Lân để lại một số lượng tác phẩm không nhiều nhưng vẫn được xếp vào hàng những cây bút truyện ngắn xuất sắc nhất của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Hầu hết các sáng tác của ông đều tập trung vào để tài nông thôn. Kim Lân đã mở được cho mình một lối đi riêng khi khai thác mảng đề tài quen thuộc này. Đặc biệt, khi viết về người nông dân, nhà văn không chỉ chú trọng miêu tả cuộc sống nghèo khó, cơ cực mà luôn hướng tới khám phá vẻ đẹp khoẻ khoắn, đôn hậu, chất phác trong tâm hồn họ. Tiêu biểu cho đóng góp độc đáo ấy, phải nói đến truyện ngắn Vợ nhặt. Ở đây, Kim Lân đã khắc hoạ thành công hình tượng những con người cùng khổ mà tâm hồn vẫn lấp lánh bao vẻ đẹp. Trong đó, nhân vật bà cụ Tứ đã để lại cho người đọc ấn tượng sâu đậm nhất.

Nhân vật bà cụ Tứ xuất hiện trên nền câu chuyện “nhặt vợ” của người con trai duy nhất. Anh con trai vừa làm một việc “động trời”: “nhặt” một người đàn bà đói rách, xa lạ ở ngoài đường về làm vợ trong cảnh nhà cùng túng. Người dân trong xóm ngụ cư cũng lo thay cho anh: “Giời đất này còn rước cái của nợ đời về”. Bản thân Tràng cũng không khỏi cảm thấy “chợn” trước việc làm của mình: “đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Cho nên, anh không khỏi bồn chồn, thấp thỏm khi nghĩ đến thái độ của bà mẹ. Bà cụ sẽ phản ứng như thế nào khi nhìn thấy người đàn bà đói rách mà anh đưa về giữa những ngày tháng đói khổ cùng cực này?

Quả nhiên, bà cụ Tứ đã ngạc nhiên đến bàng hoàng khi nhìn thấy trong nhà mình có một người đàn bà lạ. Bao nhiêu câu hỏi dồn dập ập đến trong cái đầu vốn chậm chạp của người già: “Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng U?” Khi anh con trai nhắc mẹ: “Kìa nhà tôi nó chào u”, bà vẫn không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Phải đến khi Tràng giải thích cặn kẽ: “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ!”, bà mẹ mới “hiểu ra cơ sự”. Cũng chẳng khó khăn gì lắm vì cảnh ngộ cùng quẫn của người đàn bà ấy đã phơi bày hết ở vẻ ngoài đói rách “áo quần tả tơi như tổ đỉa [...] trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Bà cụ Tứ nhìn cô con dâu “nhặt” được đang vân vê tà áo đã rách bợt và hiểu thấu sự tình: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình”. Chỉ cần một thoáng tự ái của người mẹ hay chút ích kỉ của một người đói đang bị đẩy đến bên bờ vực của cái chết, bà cụ sẽ mắng mỏ con trai và xua đuổi người đàn bà kia. Nhưng từ giây phút hiểu ra cơ sự, trong lòng người mẹ nghèo khổ ấy chỉ tràn ngập những hờn tủi, xót thương. Bà ai oán cho số phận của đứa con trai phải lấy vợ trong tình cảnh đói rét thê thảm. Bà tủi cho mình vì là mẹ mà không lo nổi chuyện dựng vợ gả chồng cho con.

Trong phút chốc, bà cụ như thấy lại cả cuộc đời đằng đẵng những nhọc nhằn, cay đắng của mình, của người chồng đã khuất và nhói lên trong lòng bà nỗi âu lo không biết vợ chồng chúng nó có khá hơn cuộc đời bố mẹ trước kia không, có nuôi nổi nhau qua được cái thì đói khát này không. Bà cụ Tứ thương xót cho cả người phụ nữ xa lạ vừa đột ngột bước chân vào gia đình mình. Bà cụ không hề rẻ rúng người phụ nữ “theo không” ấy, dù biết rõ cô ta lấy con trai mình chỉ vì sắp chết đói. Trái lại, bà cảm thương cho nông nỗi khốn cùng, thậm chí còn “hàm ơn” cô ta: “Người ta có gập bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được”. Đó là cách ứng xử của một người từng trải, thấu hiểu lẽ đời, bao dung, nhân hậu. Thương con, thương người, bà cụ Tứ chấp nhận sự việc “đã rồi” này như một chuyện đáng mừng. Câu nói nhẹ nhàng sau bấy nhiêu nỗi niềm được nén lại của bà mẹ đã cất cho Tràng nỗi phấp phỏng, cất cho người đàn bà kia nỗi bẽ bàng, lo sợ: “ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Bà đón nhận người phụ nữ xa lạ ấy bằng tấm lòng bao dung của người mẹ, nhận cô vào gia đình mình như đứa con ruột thịt: “Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi”. Những lời tâm sự thành thực của bà với cô con dâu về gia cảnh nghèo khó đã xoá đi mọi khoảng cách giữa hai người. Bà ân cần an ủi, nâng đỡ cô bằng niềm hi vọng vào tương lai: “Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau”.

Xây dựng nhân vật bà cụ Tứ, Kim Lân không chỉ khám phá, ngợi ca vẻ đẹp của tình người ấm áp, yêu thương mà còn khẳng định tinh thần lạc quan và khát vọng sống mãnh liệt tiềm ẩn trong tâm hồn người lao động. Những phẩm chất đẹp đẽ này vẫn ánh lên trong tâm hồn bà cụ Tứ ngay trong cảnh đời cùng túng nhất. Đối diện với sự kiện “nhặt vợ” của con, bà cụ nửa mừng nửa lo, nước mắt và nụ cười cứ đan xen, lẫn lộn. Là người mẹ, bà “mừng lòng” vì con trái đã có vợ, “nó yên bề nó” nhưng không khỏi khắc khoải, lo âu cho đôi vợ chồng mới: “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”. “Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?”. Hơn một lần, bà cụ Tứ đã phải quay đi, lén giấu những giọt nước mắt lo lắng, hờn tủi. Bởi vì, xung quanh ngôi nhà rúm ró, xiêu vẹo của bà là một vùng quê sầm tối vì đói khát với tiếng hờ khóc tỉ tê, mùi đốt đống rấm ở những nhà có người mới chết đói theo gió thoảng vào khét lẹt. Nhưng vượt lên mọi nỗi âu lo, bà cụ vẫn tin tưởng vào sự sống và tương lai. Nhấc anh con trai kiếm lấy tấm liếp ngăn một góc riêng cho đôi vợ chồng mới, có lẽ bà cụ đang nghĩ về một cuộc sống lâu dài... Bà cũng dậy sớm cùng con dấu thu dọn nhà cửa như để chào đón một cuộc sống mới. Dáng vẻ người mẹ già nua bỗng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác hẳn mọi ngày, khuôn mặt “bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Bên mâm cơm ngày đói chỉ có cháo loãng, muối trắng, cháo cám, bà cụ vẫn tươi cười, vui vẻ. Bà nói với các con “toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này”. Hình ảnh bà mẹ tất tả chạy lên, chạy xuống chăm lo cho bữa cơm đón con dâu mới được tác giả miêu tả rất chân thực, cảm động. Bất chấp cảnh đói nghèo cùng cực, bà đã gắng gỏi hết sức mình để tạo cho các con niềm vui, thắp lên niềm hi vọng vào sự sống... Một cái chái bếp, qua ánh mắt hân hoan của người mẹ, đã hoá thành cái chuồng gà và “ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem”. Phải sống trong một thực tại ảm đạm, bà cụ vẫn tin vào tương lai no ấm, sung túc.

Nhân vật bà cụ Tứ gợi hình ảnh của bao nhiêu bà mẹ Việt Nam xưa – từng trải qua nghèo khổ, đắng cay mà vẫn nhân hậu, vị tha, luôn tin tưởng vào sự sống và tương lai. Những phẩm chất đẹp đẽ ấy vẫn ngời sáng cả khi họ bị đẩy vào cảnh sống tăm tối, khốn cùng nhất. Kim Lân quả thực là nhà văn của người nông dân, của “những thuần hậu nguyên thuỷ”, một lòng đi về với đất, với người...