Chương trình địa phương (phần Tiếng Việt): Rèn luyện chính tả

Lớp 7

15.00

Nội dung

I – NỘI DUNG LUYỆN TẬP

Tiếp tục làm các dạng bài tập khắc phục những lỗi chính tả do ảnh hưởng của cách phát âm địa phương như ở lớp 6.

1. Đối với các tỉnh miền Bắc
Viết đúng tiếng có các phụ âm đầu dễ mắc lỗi, ví dụ: tr/ch; s/x; r/d/gi; l/n.

2. Đối với các tỉnh miền Trung, miền Nam
a) Viết đúng tiếng có các phụ âm cuối dễ mắc lỗi, ví dụ: c/t; n/ng.
b) Viết đúng tiếng có các dấu thanh dễ mắc lỗi, ví dụ: dấu hỏi/ dấu ngã.
c) Viết đúng tiếng có các nguyên âm dễ mắc lỗi, ví dụ: i/iê; o/ô.
d) Viết đúng tiếng có các phụ âm đầu dễ mắc lỗi, ví dụ: v/d.

II – MỘT SỐ HÌNH THỨC LUYỆN TẬP

1. Viết những đoạn, bài chứa các âm, dấu thanh dễ mắc lỗi

Các dạng bài viết:
a) Nghe – viết một đoạn (bài) thơ hoặc văn xuôi có độ dài khoảng 100 chữ.
b) Nhớ – viết một đoạn (bài) thơ hoặc văn xuôi có độ dài khoảng 100 chữ.

2. Làm các bài tập chính tả

a) Điền vào chỗ trống:
- Điền một chữ cái, một dấu thanh hoặc một vần vào chỗ trống, ví dụ:
+ Điền x hoặc s vào chỗ trống:...ử lí,...ử dụng, giả...ử, xét...ử.
+ Điền dấu hỏi hoặc dấu ngã trên những chữ tiêu trong các trường hợp sau đây: tiêu sử, tiêu trừ, tiêu thuyết, tuần tiêu.
- Điền một tiếng hoặc một từ chứa âm, vần dễ mắc lỗi vào chỗ trống, ví dụ:
+ Chọn tiếng thích hợp trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống: (trung, chung)... sức,... thành, thuỷ...,... đại.
+ Điền các tiếng mãnh hoặc mảnh vào chỗ thích hợp: mỏng..., dũng...,... liệt,... trăng.

b) Tìm từ theo yêu cầu:
- Tìm tên các sự vật, hoạt động, trạng thái, đặc điểm, tính chất, ví dụ:
+ Tìm tên các loài cá bắt đầu bằng ch (cá chép) hoặc bắt đầu bằng tr (cá trắm).
+ Tìm các từ chỉ hoạt động, trạng thái chứa tiếng có thanh hỏi (nghỉ ngơi) hoặc thanh ngã (suy nghĩ).
- Tìm từ hoặc cụm từ dựa theo nghĩa và đặc điểm ngữ âm đã cho sẵn, ví dụ tìm những từ chứa tiếng bắt đầu bằng r, d hoặc gi, có nghĩa như sau:
+ Không thật, vì được tạo ra một cách không tự nhiên.
+ Tàn ác, vô nhân đạo.
+ Dùng cử chỉ, ánh mắt làm dấu hiệu để báo cho người khác biết.

c) Đặt câu phân biệt các từ chứa những tiếng dễ lẫn, ví dụ:
+ Đặt câu với mỗi từ: giành, dành.
+ Đặt câu để phân biệt các từ: tắt, tắc.

3. Lập sổ tay chính tả.