Ca dao, dân ca: Những câu hát về tình cảm gia đình

Việt Nam / Lớp 7 » Khuyết danh Việt Nam

14.00

Nội dung

1. Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ[1] ghi lòng con ơi!

2. Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

3. Ngó lên nuộc lạt[2] mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu

4. Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ[3], một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hoà thuận, hai thân[4] vui vầy

Đọc thêm:
1. Ơn cha nặng lắm ai ơi,
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.

2. Cây khô chưa dễ mọc chồi,
Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta.
Non xanh[5] bao tuổi mà già,
Bởi vì sương tuyết[6] hoá ra bạc đầu.

3. Con người có cố, có ông,
Như cây có cội, như sông có nguồn.

4. Anh em như chân với tay
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần

Khảo dị:
Anh em như chân như tay
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần
Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần
[1] Chín chữ nói về công lao cha mẹ nuôi con vất vả nhiều bề, gồm “sinh”: đẻ, “cúc”: nâng đỡ, “phủ”: vuốt ve, “súc”: cho bú, cho ăn, “trưởng”: nuôi cho lớn, “dục”: dạy dỗ, “cố”: trông nom, đoái hoài, “phục”: theo dõi tính tình mà uốn nắn, “phúc”: che chở.
[2] Mối buộc của sợi lạt (lạt: dây buộc bằng mây, tre,… chẻ mỏng).
[3] Ở đây có nghĩa là cha mẹ.
[4] Thân phụ và thân mẫu, chỉ cha mẹ.
[5] Chỉ cha mẹ.
[6] Ở đây là cách nói ẩn dụ chỉ sự gian nan, vất vả.
Nguồn:
1. Nguyễn Xuân Kính, Đăng Nhật Phan, Kho tàng ca dao người Việt, NXB Văn hoá thông tin, 2001
2. Mã Giang Lân, Tục ngữ và ca dao Việt Nam, NXB Giáo dục, 1999 (tái bản lần thứ 5)
3. SGK Ngữ văn 7 (tập I), NXB Giáo dục, 2005