Ca dao, dân ca: Những câu hát châm biếm

Việt Nam / Lớp 7 » Khuyết danh Việt Nam

Nội dung

1. Cái cò lặn lội bờ ao
Hỡi cô yếm đào[1] lấy chú tôi chăng?
Chú tôi hay tửu hay tăm[2],
Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa.
Ngày thì ước những ngày mưa[3].
Đêm thì ước những đêm thừa trống canh[4].

2. Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà.
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.
Số cô có vợ có chồng,
Sinh con đầu lòng, chẳng gái thì trai.

3. Con cò chết rũ trên cây,
Cò con mở lịch xem ngày làm ma.
Cà cuống uống rượu la đà,
Chim ri ríu rít bò ra lấy phần.
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao.

4. Cậu cai nón dấu lông gà,
Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai.
Ba năm được một chuyến sai,
Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê.

Đọc thêm:

1. Chập chập thôi lại cheng cheng,
Con gà trống thiến để riêng cho thầy.
Đơm xôi thì đơm cho đầy,
Đơm vơi thì thánh nhà thầy mất thiêng!

2. Con mèo mà trèo cây cau,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.
Chú chuột đi chợ đường xa.
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.

3. Đồn rằng quan tướng có danh
Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai
Ban khen rằng: Ấy mới tài
Ban cho cái áo với hai đồng tiền
Đánh giặc thì chạy vào tiên
Xông vào trận tiền cởi khố giặc ra
Giặc sợ, giặc chạy về nhà
Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân

Khảo dị:
Đồn rằng quan trạng có danh
Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai
Vua khen quan tướng có tài
Ban cho cái áo với hai đồng tiền
Đánh giặc thì chạy trước tiên
Xông ra trận tiền cởi khố giặc ra
Giặc sợ, giặc chạy về nhà
Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân
[1] Cô gái mặc yếm màu hoa đào (yếm: đồ mặc lót che ngực của phụ nữ thời xưa).
[2] Tửu: rượu; tăm: bọt sủi lên; đây là cách nói hoán dụ, dùng ghép với từ tửu để chỉ rượu.
[3] Ý nói để khỏi phải đi làm.
[4] Mỗi đêm có năm canh, sau mỗi canh có điểm trống; ước đêm nhiều (thừa) trống canh để được ngủ thêm.
Nguồn:
1. Nguyễn Xuân Kính, Đăng Nhật Phan, Kho tàng ca dao người Việt, NXB Văn hoá thông tin, 2001
2. Mã Giang Lân, Tục ngữ và ca dao Việt Nam, NXB Giáo dục, 1999 (tái bản lần thứ 5)
3. SGK Ngữ văn 7 (tập I), NXB Giáo dục, 2005