Cảm nhận về bài thơ “Rằm tháng giêng” (2)

Việt Nam / Lớp 7 » Hồ Chí Minh » Nguyên tiêu
Lớp 7 » Luyện nói: Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học

54.80
Khi nhắc đến dân tộc Việt Nam độc lập tự do hôm nay, không mấy ai quên được công lao của người. Người là một vị lãnh tụ vĩ đại, là một danh nhân văn hoá thế giới và còn là một nhà thơ lớn nhà thi sĩ yêu trăng. Bác đã để lại cho thơ văn Việt Nam rất nhiều tác phẩm, trong đó có bài Rằm tháng giêng.

Năm 1948 trên chiếc thuyền nhỏ neo giữa dòng sông ở chiến khu Vịêt Bắc oanh liệt, Bác đã cùng Trung ương Đảng mở cuộc họp về tình hình quân sự kháng chiến chống Pháp (1947 – 1948). Khi cuộc họp kết thúc thì đêm đã khuya, trăng rằm toả sáng khắp mặt đất lan toả trên dòng sông bao la. Cảnh sông núi trong đêm trăng càng trở nên hùng vĩ và thơ mộng. Trước cảnh đẹp của thiên nhiên và của đêm trăng thơ mộng, trước những cảnh đẹp tuyệt vời ấy Bác đã ứng khẩu thành thơ:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên.
Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm sứ đàm quân sự.
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Về sau nhà thơ Xuân Thuỷ dịch bài thơ ra tiếng Việt thể lục bát với tên là Rằm tháng giêng. Bản dịch diễn tả gần hết ý thơ trong nguyên tác với nội dung biểu hiện tính yêu thiên nhiên tha thiết và lòng yêu nước của Bác.

Ở bài Cảnh khuya, Bác tả đêm trăng rừng Việt Bắc thì bài này cảnh trăng được Bác tả trên sông nước hùng vĩ:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Vầng trăng tròn toả sáng bát ngát khắp nơi, bầu trời mặt đất đều trong lòng ánh trăng. Khung cảnh mênh mông tưởng dường như sông nước tiếp liền với bầu trời “Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”. Vạn vật đều mang sắc xuân: sông xuân, nước xuân, trời xuân giao hoà với nhau tạo nên một khung cảnh tràn đầy sức sống làm náo nức lòng người. Điệp từ xuân lập lại nhiều lần tạo nên không khí vui tươi của cảnh trăng rằm:
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Trên một chiếc thuyền nhỏ giữa chốn mịt mù khói sóng, Bác cùng các vị lãnh đạo Trung ương Đảng bàn việc quân, việc nước. Buổi đầu cuộc kháng chiến đầy gian khổ biết bao. Tuy vậy Bác vẫn ung dung, thư thả. Buổi họp kết thúc vào lúc nửa đêm. Trăng tròn treo giữa trời (nguyệt chính viên), ánh trăng đang toả sáng khắp mọi nơi. Cảnh sông nước trong đêm càng trở nên thơ mộng. Dòng sông nước biến trở thành dòng sông trăng và con thuyền nhỏ dường như chở đầy trăng tuyệt đẹp. Tâm hồn Bác lâng lâng bạn tri âm muôn đời. Hình ảnh con thuyền nhỏ chở đầy ánh trăng trên sông vô cùng lãng mạng và sâu sắc. Chắc có lẽ Bác đã có một phong thái ung dung, tự tại, lạc quan mãnh liệt nên Bác đã tạo ra được hình tượng nghệ thuật độc đáo trong hoàn cảnh đặc biệt.

Bài Rằm tháng giêng với âm sắc sâu lắng, tươi vui đem lại cho người đọc cảm hứng thanh cao, trong sáng. Bài thơ là một dẫn chứng cho thấy Bác là vị lãnh tụ cách mạng tài ba, vừa là một thi sĩ có trái tim vô cùng nhạy cảm. Bài thơ cho chúng ta học được tinh thần lạc quan và phong thái ung dung bình tĩnh ở Bác.