Cảm nhận về bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” (2)

Việt Nam / Lớp 9 » Nguyễn Duy » Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

163.56
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa là một dòng hồi ức đẹp về người mẹ, những ai còn mẹ lại càng thấy trân trọng hơn cái đức sinh thành, dưỡng dục của Người, những ai mẹ khuất, lại thấy xuyến xao, nhớ mẹ tha thiết như giọng điệu êm ru của những câu thơ lục bát.

Thơ Nguyễn Duy có nhiều bài viết về mẹ, hình ảnh người mẹ trong những sáng tác của nhà thơ hiện lên rất Việt Nam, vừa tảo tần, chịu thương chịu khó mà lại rất đỗi mộc mạc, dịu dàng. Người mẹ trong bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa là người Mẹ Việt Nam như thế.

Trong không gian đêm tĩnh mịch, người mẹ hiện về trong tâm tưởng của nhà thơ như một vị bồ tát, vừa gần gũi vừa linh thiêng, qua hương hoa huệ thanh khiết và khói nhang, ngỡ như mẹ còn đó rất gần gũi trong những đêm nằm nghe mẹ kể chuyện, cùng mẹ ngắm ao trời...

Người mẹ ấy như cánh cò, suốt một đời vất vả Đó là người mẹ nông thôn nghèo, “váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa” cùng với lời ru quen thuộc “cái cò... sung chát đào chua” ẩn chứa triết lí cuộc đời... đã nuôi lớn tâm hồn trẻ thơ của nhà thơ như bao đứa trẻ được sinh ra ở làng quê Việt Nam vậy!

Kỉ niệm về mẹ dồn nén rồi cứ thế ùa về rõ mồn một. Nhà thơ nhớ tới mẹ mình không chỉ là nhớ những lời ru mà còn qua những món quà quê giản dị - đó là quả hồng, quả bưởi mà với ông, những thứ ấy từ lâu “đã trở thành những miếng ngon tột đỉnh trong đời”, nhớ những đêm nằm trải chiếu trên sân nhà ngắm sao trời và trăng sáng vằng vặc. Trong không gian thơ mộng và bình dị ấy, được nghe mẹ kể chuyện chị Hằng, chú Cuội... Những hồi ức này khiến người đọc như thấy một góc nhỏ của tuổi thơ mình đang hiện hữu.

Người mẹ của nhà thơ vất vả, cực nhọc và rất giàu đức hy sinh, thể hiện bằng những hành động yêu thương rất đỗi bình thường “Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”, “rối ren tay bí tay bầu”. Người mẹ ấy lo cho gia đình, bận bịu với con cái suốt ngày suốt tháng, chẳng mấy khi được rảnh rang.

Sợi chỉ xuyên suốt bài thơ và khơi gợi cảm xúc nhất chính là lời ru của mẹ. Lời ru ấy không chỉ nghe khi còn bé, mà nó theo nhà thơ trọn cả cuộc đời:
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ... mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng
Đọc đoạn thơ
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ... Mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng
người đọc cảm nhận sâu sắc công dưỡng dục, đức cù lao của người mẹ đối với con cả phần xác lẫn phần hồn, cả miếng cơm, manh áo đến lẽ sống tốt đẹp ở đời. “Bà ru mẹ... Mẹ ru con” như một quy luật tự nhiên, luôn tồn tại bất biến ở đời, một nét đẹp văn hoá đáng được gìn giữ của dân tộc Việt Nam.

Thơ Nguyễn Duy có tính chất trữ tình triết luận. Thật vậy, nỗi băn khoăn của tác giả về lẽ nhớ quên những lời ru là hoàn toàn hợp lí. Dù con có lớn đến đâu, đi đến nơi nào thì với mẹ, con vẫn còn bé bỏng, giữa Chế Lan Viên và Nguyễn Duy dường như có sự đồng điệu:
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con...
(Chế Lan Viên)
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa là một dòng hồi ức đẹp về người mẹ, những ai còn mẹ lại càng thấy trân trọng hơn cái đức sinh thành, dưỡng dục của Người, những ai mẹ khuất, lại thấy xuyến xao, nhớ mẹ tha thiết như giọng điệu êm ru của những câu thơ lục bát.
Hoàng Kim Ngọc