Cảm nhận bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” (4)

Trung Quốc / Lớp 7 » Hạ Tri Chương » Hồi hương ngẫu thư

24.00
Hồi hương ngẫu thư (Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê) của nhà thơ Hạ Tri Chương là bài thơ nói về tình yêu, sự nhớ thương dành cho quê nhà. Nhưng càng yêu bao nhiêu thì nhà thơ lại càng thấy xót xa bấy nhiêu khi ông trở về thăm quê nhưng mọi thứ đã thay đổi, khoảng cách về thế hệ khiến ông cảm thấy chút chua xót, lạc lõng ngay cả khi đã về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình.

Mở đầu bài thơ, Hạ Tri Chương đã kể cho người đọc nghe về câu chuyện riêng của chính mình và cũng tái hiện lại hình ảnh của chính mình sau những năm tháng đằng đẵng xa quê:
Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi
(Lúc trẻ rời nhà, lúc già cả mới quay về)
Nhà thơ đã kể lại một cách tóm tắt quãng thời gian xa quê và bối cảnh hiện tại, khi nhà thơ có cơ hội về lại thăm quê: Nhà thơ xa quê từ khi còn rất nhỏ, rất trẻ “lão đại hồi”. Sau quãng đường bôn ba, tha phương nơi đất khách, khi có điều kiện về thăm quê thì trên đầu mái tóc đã bạc “lão đại hồi”.

Quãng thời gian xa quê đã làm cho tác giả thay đổi cả về tuổi tác, vóc người. Để từ đó làm nền để hé mở tình cảm dành cho quê hương của tác giả:
Hương âm vô cải mấn mao thôi
(Giọng quê không đổi, tóc râu đã rụng dần)
Ở đây, tác giả đã sử dụng phép đối để thể hiện tình yêu của mình dành cho quê hương. Nếu “giọng quê không đổi” tức tình cảm, sự gắn bó dành cho quê hương chưa một lần phai nhạt, thay đổi thì hình dáng bên ngoài nhà thơ đã có sự thay đổi lớn “Mấn mao thôi”. Ở đây, cái nhà thơ muốn nhấn mạnh, muốn làm nổi bật đó chính là thời gian xa quê, thời gian cứ vô tình trôi, thấm thoắt thời gian xa quê của nhà thơ đã hơn năm mươi năm.Vì vậy, tình cảm của nhà thơ với quê hương được khẳng định một cách chắn chắn là chưa từng thay đổi song lại ẩn chứa nỗi buồn xót xa trước sự chảy trôi của thời gian, của đời người.

Vì thời gian tác giả xa quê cũng ngót năm mươi năm nên những đứa trẻ được sinh ra ở nơi này cũng không biết về tác giả. Chính sự xa lạ, khoảng cách của thế hệ ấy mà những đứa trẻ ngây thơ ấy coi Hạ Tri Chương như một người khách lạ mà đón tiếp:
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn: “Khách tòng hà xứ lai?”
(Gặp lũ trẻ nhỏ nhưng không hề biết nhau
Lũ trẻ cười hỏi: “Khách từ nơi nào đến đây?”)
Những đứa trẻ nhỏ được sinh ra sau khi nhà thơ rời quê nên lẽ tất yếu chúng không hề biết đến nhà thơ “bất tương thức” nên chúng rất hồn nhiên và chào hỏi nhà thơ “Khách tòng hà xứ lai”.Ta có thể thấy ở đây lũ trẻ rất ngon ngoãn, lễ phép với nhà thơ, song chính sự hồn nhiên, ngây thơ của lũ trẻ khiến nhà thơ ngỡ ngàng, xen lẫn cả sự xót xa, buồn tủi. Là người con xa quê đã nhiều năm, nay có dịp về thăm quê lại bị xem như người xa lạ, một người khách vô tình ghé qua nên tác giả không tránh được cảm giác chua xót.

Hạ Tri Chương không trách những đứa trẻ vì không biết mình, chào hỏi như một người khách vì chúng rất ngây thơ và phản ứng theo lẽ rất tự nhiên. Nhà thơ thấy buồn vì thời gian mình xa quê quá lâu, đủ để mọi thứ xung quanh thay đổi. Quê hương vẫn ở đây, tình cảm yêu mến của nhà thơ với nhà thơ không chút thay đổi nhưng những người bạn cùng trang lứa với nhà thơ cũng không còn ai, bản thân thì bị coi là người lạ nên cảm giác chua xót, tự vấn là điều hoàn toàn có thể hiểu được.

Nơi quê hương “chôn nhau cắt rốn” vô cùng quen thuộc, thân thương. Nơi mà người ta sẽ cảm giác tĩnh tâm, yên bình khi trở về. Nhưng ở đây, nhà thơ lại cảm giác lạc lõng, cô đơn giữa chốn thân quen này.

Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương đã thể hiện được chân thực cảm xúc của chính bản thân nhà thơ. Nhà thơ xây dựng được bức chân dung của cảm xúc, của con người nhà thơ. Đó là con người luôn yêu thương tha thiết quê hương của mình và cảm giác buồn tủi, chua xót khi về thăm quê. Từng câu thơ đều khiến cho người đọc cảm động, cùng với đó là sự đồng cảm, thấu hiểu với nỗi niềm của nhà thơ. Đây là một bài thơ chứa chan tình cảm, tâm tư của một người con xa quê.