Cảm nghĩ của em về nhân vật Trương Sinh trong bài “Lại bài viếng Vũ thị”

Việt Nam / Lớp 9 » Lê Thánh Tông » Lại bài viếng Vũ thị

15.00
Tấn bi kịch xảy ra trong gia đình Vũ Thị Thiết đã lấy đi nước mắt con người bao thế hệ. Ngay cả nhà vua Lê Thánh Tông - vị vua anh minh, văn võ kiêm toàn cũng phải gửi gắm niềm thương cảm Vũ Nương và oán trách chàng Trương trong bài vịnh Lại bài viếng Vũ thị: “Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.” Đó là lời kết án nghiêm minh của lí trí và trái tim tác giả. Tuy nhiên, không chỉ mình Vũ Nương mà cả Trương Sinh cũng là người bị lòng ghen tuông mù quáng của chính mình huỷ hoại. Phải chăng, ta nên có một cái nhìn khoan dung và công bằng hơn cho chàng Trương?

Qua “thiên cổ kì bút” Nam Xương nữ tự truyện, chân dung tính cách Trương Sinh hiện lên với thói gia trưởng, độc đoán, đa nghi và cả ghen. Nhờ Vũ Nương “giữ gìn khuôn phép” nên “chưa từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hoà”.

Chiến tranh xảy đến, Trương Sinh phải đi tòng quân, từ đó hình thành một khoảng trống về thời gian lẫn không gian: Ba năm xa cách. Ba năm, quãng thời gian đủ dài để khiến chàng mệt mỏi, chán chường đời lính chinh chiến cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa, đủ dài để nhấn chìm chàng trong nỗi nhớ thương quê nhà, đủ để nuôi lớn niềm nghi ngại của chàng về lòng thuỷ chung của vợ. Nhưng khi quãng thời gian ba năm giam cầm chàng kết thúc thì chàng đã phải nhận tin dữ: mẹ mất – đó chính là lúc con người yếu đuối nhất và cần được chở che, chàng chỉ còn chỗ dựa là vợ và con trai. Vậy mà ông trời trêu ngươi, khi đến thăm mộ mẹ, đứa trẻ lại ngây thơ hỏi: “Ô hay! Thế ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín im thin thít.”, thế là điếng người, vội vàng gạn hỏi, để rồi phải tiếp tục hứng chịu một đòn đánh tinh thần: “Trước đây thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.” Nếu Trương Sinh là người có học, biết dò tìm, xem xét nông sâu, hiểu được tư duy trẻ con và tỉnh táo thì đã nhận ra ngay đó là cái bóng. Nhưng oái oăm thay, Trương Sinh “tuy con nhà hào phú nhưng không có học”, và chính cái bản chất nông dân cả tin, hồ đồ, vô học khiến chàng lập tức bị quật ngã bởi lời con trẻ, vì chàng tin đứa trẻ không nói dối, vậy là “Về đến nhà, chàng la um lên cho hả giận”, “lấy chuyện bóng gió này nọ mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi”, mà quên hết, rũ bỏ hết tất cả những ân tình mà nàng dành cho chàng và gia đình chàng.

Giờ đây, chỉ có con rắn ích kỉ len lỏi trong lòng làm bùng lên ngọn lửa ghen tuông và đố kị, đốt cháy tình yêu và hạnh phúc nàng và chàng cùng gây dựng trong ba năm ròng, chỉ trong một giây ngắn ngủi, thành tro bụi. Chàng gạt phăng những lời van xin, phân trần rớm máu và nước mắt của vợ, bỏ ngoài tai lời bà con xóm giềng khuyên giải, thậm chí nhẫn tâm chặn hết khả năng tự bảo vệ mình của nàng “Nàng hỏi chuyện kia do ai nói ra thì lại giấu không kể là con nói” vì cái định kiến là vợ hư đã găm chặt vào tâm trí chàng, che lấp mất lí trí. Vũ Nương đâu phải là kẻ phản bội, mà Trương Sinh vốn cũng đâu phải là kẻ ác. Vì yêu nên mới ghen, vì quá yêu nên mới thành người bạc ác. Để đến cuối cùng, chính chàng dồn nàng vào bước đường cùng, tự tay chàng bóp chết tình yêu của mình. Vũ Nương tự tận, chàng tuy oán giận nàng thất tiết nhưng vẫn cho người tìm vớt thây. Mặc dù hành động đó có kệch cỡm, nực cười và đáng giận như thế nào (vì người đẩy Vũ Nương vào cái chết đâu phải ai xa lạ mà chính là chàng!?) thì vẫn cho thấy Trương Sinh yêu nàng. Giờ đây, chàng là kẻ goá vợ, con trai chàng thành đứa mồ côi, gia đình êm ấm của chàng phút chốc nát tan như bọt biển, Trương Sinh hoá kẻ đáng thương. Vậy mà ông trời vẫn không chịu dừng lại cái tấn trò đời nghiệt ngã này, Trương Sinh vẫn sẽ còn bám víu cái niềm tin tội nghiệp là chàng ta không hề sai cho đến khi “Cha Đản lại đến kia kìa” - người cha thứ hai trong lời kể của bé Đản xuất hiện - không ai khác mà chính là cái bóng của chàng.

Thắt nút thì phải mở nút. Ông trời trừng phạt chàng bằng cách cho chàng biết sự thật. Cái bóng - trò đùa trong thương nhớ ngẫu nhiên trở thành nỗi oan khiên vì lòng ghen tuông mù quáng. Vợ chồng yêu nhau, quyến luyến không rời như hình với bóng. Bây giờ nàng đã chết, hình đã mất, bóng còn đâu? Như lúc nàng trở về sau ba ngày đêm Trương Sinh lập đàn giải oan, thì nàng cũng chỉ hiện ra “ở giữa dòng mà nói vọng vào: Thiếp chẳng thể trở về được nữa” rồi “Trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất”. Chia li là vĩnh viễn, bởi người chết rồi không thể nào sống lại. Trương Sinh vẫn sẽ mãi sống trong nỗi cô đơn, ân hận, dằn vặt giày vò bản thân cho đến cuối đời. Đó cũng chính là bài học đắt giá cho Trương Sinh: Hạnh phúc thực ra chỉ là một cái bóng hư ảo mà thôi, phải nắm chặt lấy, vì một khi đã đánh mất rồi thì sẽ chẳng bao giờ tìm lại được...

Tuy nhiên, công bằng mà nói thì cái bi kịch của Vũ Nương cũng bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa mà thời nhà vua Lê Thánh Tông chưa nhận thức được. Đó chính là xã hôi phong kiến, tư tưởng lễ giáo hà khắc đã đày đoạ người phụ nữ, trói buộc họ, kìm kẹp họ, khiến họ không thể cất tiếng nói cho riêng mình. Chính tư tưởng nam quyền cổ hủ, nhẫn tâm đã tiếp tay cho Trương Sinh thành kẻ vũ phu, gia trưởng mà không bị lên án, tố cáo, gián tiếp tước đi quyền được sống của Vũ Nương. Nhưng có lẽ nguyên nhân cơ bản nhất mà Nguyễn Dữ muốn đề cập đến và phản ánh đúng thực tại xã hội lúc bấy giờ là chiến tranh phi nghĩa.

Nếu Trương Sinh không phải đi lính thì mẹ chàng đâu đến nỗi thương nhớ con quá mà chết, khiến chàng “buồn khổ quá mất khôn”; vợ chàng cũng đâu phải chỉ bóng mình trên vách cho con trẻ thoả nỗi nhớ nhung, khiến đứa trẻ đinh ninh cái bóng là cha nó để rồi dẫn đến sự hiểu lầm? Đúng vậy, cái thực tại tàn khốc, cái giai đoạn đầy rẫy những kẻ thống trị dùng chiến tranh để thoả mãn tham vọng quyền lực đã nhào nặn nên một xã hội loạn lạc, tăm tối, lầm than, xới nát gia đình chàng Trương, từ đó tạo ra một tấn bi kịch khiến người đời tiếc hận...