Cây Hồ Gươm

Việt Nam / Lớp 10 » Tô Hoài

33.67

Nội dung

Làn cây ven Hồ Gươm như làn mi, như ai dướn đôi lông mày. Không thể nghĩ cái đầm nước tuyệt vời ấy lại vắng hàng mi những rèm cây.

Cây cối Hồ Gươm của Hà Nội thoạt nhìn không ra thể thức nào, nhưng để ý kĩ sẽ thấy được một lề lối của mỗi bóng cây bóng nước. Mỗi cái cây bên nhau đều mang chứng tích của lịch sử và thời gian.

Từ trong Đảo Ngọc giữa hồ, những cây đa, cây sim cây sanh, cây đề và những cây gạo mà đầu đình làng nào cũng sum sê. Những gốc gạo hiền lành, xù xì như đá tảng vì những nhát dao tước vỏ cây từ thuở trong phố còn những cột đèn dầu thắp ở các ngã tư đường thập đạo, người ta lấy vỏ gạo về làm thuốc bóp chân sái, tay gãy – những bài thuốc ai cũng thuộc.

Những cây trong vườn đã thành đại thụ cũng thấy ở đây. Bảy cây lộc vừng vun lại một khóm mà nõn lộc vừng để kèm ăn gỏi cá mè. Những cây sung cổ quái mỗi mùa xuân vẫn trổ lá, quả sung muối dưa, lá sung non lót nem chạo trên Phùng uống với rượu gạo Mễ Trì của ba làng Mai.

Và những cây me cây sấu vốn mọc trước ngõ, canh nấu quả me chua, nước rau muốn luộc dầm sấu,...

Ô hay, bất chợt vào mùa thu, hoa vông, chỉ đến mùa hoa vông đỏ khé trên mặt hồ mới nhớ, chứ hằng ngày qua dưới gốc vông, không ai để ý tới loại cây cọc rào quá quen mắt ấy.

Và cả những cây rừng, những cây rừng cũng tới, rừng Mai Châu, rừng đảo Cát Bà, ông lão nào đã quảy về đây những cây kim giao – mà tiếng đồn ngày xưa vua chúa cầm đũa chỉ cầm đũa bằng gỗ quý này.

Hai tiếng “hồ liễu” xưa nay gắn bó thân thiết với Hồ Gươm, Hồ Gươm hồ liễu. Nhưng chớ ai tưởng lúc sầm uất nhất thì quanh Hồ Gươm chỉ toàn dương liễu. Lệ liễu Hồ Gươm không yêu kiều vì dặm liễu, dặm dài. Mà từ thuở nào, liễu Hồ Gươm chỉ lác đác. Những cây liễu đứng một mình buông tóc trong gió in bóng hồ điểm trang bức tranh hồ cuối thu phẳng lặng, hoa lộc vừng đỏ hây rơi từng đám xuống mặt nước.

Hồ Gươm, hồ các thứ cây. Nhưng tôi nhớ nhất và cho đến giờ vẫn không hiểu sao bên Hồ Gươm ngày trước lại có một cây ô môi vốn quê ở miền Nam, giữa mùa hạ hoa nở như hoa đào. Chẳng lẽ đã có một ông lão trượng vác ống tranh cô tiên Giáng Kiều đem một cành ô môi chiết ra trồng xuống ven hồ chỗ đất chỗ nước lịch sử này?

Cuối thế kỉ trước, người Pháp mới chiếm Hà Nội. Lịch sử đau thương quãng ấy đã sang trang rồi, nhưng còn dấu tích trong cây. Ấy là những cây gỗ tếch chỉ thấy ở rừng Thượng Lào, những cây cọ dại châu Phi, những cây hoa phượng vĩ quê tận Tân Ghi-nê ngoài châu Đại Dương, người Pháp đã đem từ các thuộc địa tới.

Cây quanh Hồ Gươm tụ hội các thứ cây của làng nước và của thời thế.
(Bài viết của Tô Hoài, trong Nguyễn Vinh Phúc, Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2003)