Cảm xúc về đất nước trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi

Việt Nam / Lớp 12 » Nguyễn Đình Thi » Đất nước

15.00
Cảm hứng về đất nước là nguồn cảm hứng lớn, bao trùm nền văn học cách mạng Việt Nam. Với bài thơ Đất nước, Nguyễn Đình Thi đã tìm thấy tiếng nói riêng, thể hiện cảm xúc riêng của mình trong nguồn cảm hứng đã trở thành truyền thống này.

Bài thơ Đất nước được hình thành vào năm 1955, sau khi dân tộc ta đã dành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Song thời điểm sáng tác toàn bộ bài thơ lại không hoàn toàn chỉ là năm 1955. Phần đầu của bài thơ có sử dụng một số đoạn của 2 bài thơ Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948) và Đêm mít tinh (1949) của chính tác giả Từ dòng 1 đến dòng 7, tác giả sử dụng lại những câu thơ của bài Sáng mát trong như sáng năm xưa, tuy có thay đổi một số từ và riêng dòng 3 đã thay đổi hẳn; nguyên văn là:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Cỏ non thơm mãi dấu chân em
Gió thổi mùa thu vào Hà Nội
Phố dài xao xác heo may
Nắng soi ngỗ vắng
Thềm cũ lối ra đi
Lá rụng đầy.
Từ dòng 13 đến dòng 21 là sử dụng lại của bài Đêm mít tinh, tác giả chỉ thay trời sao thành trời xanh trong câu “Trời xanh đây là của chúng ta” và xóm đồng thành cánh đồng trong câu “Những cánh đồng thơm mát”.

Mặc dù giữa phần đầu và phần cuối bài thơ có sự khác nhau về thể thơ, nhịp điệu, cách gieo vần,… nhưng bài thơ Đất nước vẫn đem lại cho người đọc sự nhất quán trong cảm nhận. Điều đó trước hết là bởi vì các phần của bài thơ có sự thống nhất về nội dung cảm xúc. Nguồn cảm xúc về đất nước bắt đầu bằng những rung động trước nét thu của thiên nhiên, đất trời gọi nhắc về một mùa thu xưa của Hà Nội (từ đầu cho đến Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy). Từ những ấn tượng trong hoài niệm về vẻ đẹp của mùa thu của thiên nhiên ấy, mạch thơ chuyển sang cảm xúc về mùa thu đất nước, mùa thu của cách mạng với cảm hứng ngợi ca đầy tự hào trong tư thế làm chủ đất nước. Ở phần sau bài thơ, tác giả thể hiện những suy nghĩ, trải nghiệm về đất nước trong chiến tranh với những đau thương, mất mát, căm hờn, những kí ức sâu đậm, khó quên của những tháng ngày kháng chiến gian lao mà bất khuất, anh hùng.

Dù là những rung động tinh tế hay sự khái quát biểu tượng thì Đất nước của Nguyễn Đình Thi đều toát lên vẻ đẹp từ nguồn cảm hứng về một đất nước đẹp đẽ trong đau thương, một đất nước anh hùng trong tranh đấu gian lao.
(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)