Cảm nhận về nhân vật Tnú trong “Rừng xà nu” (1)

Việt Nam / Lớp 12 » Nguyễn Trung Thành » Rừng xà nu

Chưa có đánh giá nào
Đọc truyện ngắn Rừng xà nu, người đọc có ấn tượng mạnh mẽ song trùng là vẻ đẹp của cánh rừng và những người anh hùng trên vùng đất Tây Nguyên huyền thoại. Rừng xà nu được khắc hoạ từ đầu đến cuối tác phẩm vừa mang nét tự nhiên, vừa tượng cho biết bao tính cách của con người. Trong đó, nổi bật là nhân vật Tnu. Tnu cũng xuất hiện ngay từ đầu rồi đi suốt văn bản, song hành, đầy biến động, để lại ấn tượng đậm nét trong lòng người đọc như rừng xà nu vậy. Một rừng cây – một đời người. Xà nu – loại cây thông chỉ có ở núi rừng nơi đây không chỉ “ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho dân làng” mà còn góp phần sinh ra, nuôi lớn, bảo vệ và hoá thân vào tinh thần, ý chí, vào sức mạnh anh hùng của mỗi người dân, và đặc biệt là Tnu. Tnu là người con của dân làng cũng là người con của rừng xà nu.

Tnu mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Nhận xét về Tnu, cụ Mết nói “Nó là người Stra mình. Cha mẹ nó chết sớm, làng Xô man này nuôi nó. Đời nó khổ nhưng bụng nó sạch trong như nước suối làng ta”. Như vậy, khi còn nhỏ, số phận Tnu đã bất hạnh. Số phận bất hạnh nhưng tâm hồn anh trong sáng, dịu dàng vì tiếp nhận mạch nguồn của dòng suối quê hương. Từ đó, Tnu lớn lên trong tình thương yêu của dân làng, trong sự chở che của rừng núi. Cũng từ đó, Tnu tích hợp được trong trái tim, trong cõi lòng mình biết bao tình cảm yêu thương.

Với cánh rừng xà nu, từ đơn vị trở về làng, Tnu đứng hồi lâu ngắm nhìn, thấy hàng vạn cây xà nu “không cây nào không bị bom đạn kẻ thù bắn phá”. Rồi anh phát hiện ra vẻ đẹp của rừng cây, so sánh cây xà nu ở đất quê mình với loài cây khác, nghiệm ra rằng “rừng xa nu sinh sôi nảy nở khoẻ hơn, ham ánh sáng mặt trời hơn”. Tnu như nhập hồn vào rừng cây, cảm nhận rừng xà nu như một sinh thể kì diệu, bất khuất, bất diệt. Thăm làng chỉ được một đêm, sáng hôm sau trước khi lên đường, Tnu lại đứng lặng hồi lâu ngắm rừng xà nu, lòng bang khuâng, bịn rịn như đối với người thân. Với Tnu, rừng cây, mảnh đất quê hương gắn bó bởi biết bao kỉ niệm lúc êm đềm, khi dữ dội, rừng xà nu là một phần máu thịt của anh. Với người dân làng Xô Man, Tnu coi như những người ruột thịt. Gặp cụ Mết sau ba năm xa cách, Tnu bồi hồi sung sướng “Ông cụ vẫn quắc thước như xưa...ngực căng như một cây xà nu lớn”. Tình yêu quê hương chan hoà trog tình thương mến những con người của quê hương, tình làng nghĩa xóm trong tâm hồn Tnu mặn mà, sâu nặng như tình cảm cha me, con cái trong một gia đình. Với vợ con, Tnu đặc biệt gắn bó, yêu thương. Anh xé tấm đồ của mình làm áo choàng ủ ấm cho con. Khi vợ con bị bọn ác ôn đánh đập, Tnu không sợ chết mà lao vào giữa bọn dã thú che chở và cứu vợ con “Hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai”.

Từ tình yêu thương, Tnu đến với cách mạng, tuyệt đối trung thành với cách mạng. Ngay từ khi còn nhỏ, Tnu đã xung phong vào rừng nuôi cán bộ, được cán bộ dạy chữ và giác ngộ cách mạng. Rừng núi quê hương đã giúp Tnu học hành. Than củi trộn với nhựa xà nu cho anh màu đen sơn bảng, đá trắng ở núi Ngọc Linh cho anh phấn viết. Được anh Quyết giao nhiệm vụ và huấn luyện công tác lien tục, Tnu đã lớn lên từng ngày, từng ngày trong rừng, trong tình yêu thương của anh Quyết. Anh Quyết hy sinh. Thương anh bao nhiêu, Tnu ghi nhớ và nguyện làm theo lời anh bấy nhiêu. Trong giây phút khốc liệt nhất, mười đầu ngón tay bị giặc đốt cháy như mười ngọn đuốc, Tnu vẫn nhớ lời anh Quyết “Người cộng sản không them kêu van” và tự nhủ “Tnu không them, không them kêu van”. Đau đớn đến tột cùng, căm hờn đến ứa máu, đối mặt với cái chết, đối mặt với kẻ thù, người thanh niên cách mạng ấy luôn nghĩ tới cán bộ, nghĩ tới cách mạng và luôn giữ vững lòng trung thành, giữ vững tư thế hiên ngang, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản, người anh hùng nhân dân. Tình cảm yêu thương, lòng trung thành và tư thế của người cách mạng chính là sức mạnh tinh thần đã tôi luyện, hun đúc trong Tnu sức mạnh, ý chí gang thép để anh ngẩng đầu cao trước kẻ thù.

Khi đối diện với những kẻ cướp nước và bán nước, Tnu là hiện thân của một cây xà nu cường tráng, của rừng xà nu hiên ngang, bất khuất. Lần thứ nhất bị giặc bắt, giam cầm, tra khảo suốt ba năm, Tnu vẫn không khai, vẫn giữ trọn phẩm chất cách mạng. Rồi anh vượt ngục trở về làng. Vừa về làng, Tnu đã tham gia lập đội xung kích, tự nguyện đi bộ ba ngày lên núi Ngọc Linh gùi đá mài về mài gươm giáo, chiến đấu bảo vệ xóm làng. Trong tâm hồn anh, luôn cháy bỏng ngọn lửa cách mạng, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Lần thứ hai, khi xông ra cứu vợ con, Tnu lại bị bắt. Lần này anh phải đối mặt với bọn ác ôn dã thú, đối mặt với cái chết dữ dằn. Mười ngón tay anh bị đốt bốc lửa rừng rực. Kẻ thù biến nhựa và cây xà nu thân thương thành ngọn lửa bạo tàn thiêu đốt anh. Nỗi đau thể xác biến thành lòng căm thù. Ngọn lửa mà bọn giặc ác ôn thiêu đốt anh trở thành ngọn lửa căm thù nung đỏ trái tim anh, thành lửa cách mạng cháy sáng trong tâm hồn anh. Không thấy ngọn lửa ở ngón tay, Tnu nghe tiếng lửa trong lồng ngực. Nhờ đó, Tnu vượt qua giây phút yếu mềm. Anh không kêu van mà nhớ tới anh Quyết, nhớ tới cách mạng để tự động viên mình chiến thắng chính mình. Trong giây phút ấy, Tnu thực sự là hoá thân của cây xà nu cường tráng, đúng như cụ Mết nói “Không gì mạnh như cây xà nu đất ta”. Với sức mạnh của người chiến sĩ cách mạng và sức sống bất diệt của cây xà nu, Tnu đã nghiến răng chịu đựng mọi đau đớn, bình tĩnh trước dã tâm tăm tối của kẻ thù. Anh bỗng nghe tiếng chân ai rầm rập bên nhà ưng. Tự hỏi “Ai thế?”, vào giây phút xuất thần, Tnu hiểu rằng, mình cần phải làm gì. Anh thét lên một tiếng. Đó là tiếng kêu trả thù, tiếng gọi chiến đấu. Tiếng thét của anh bỗng vang dội thành nhiều tiếng thét mạnh mẽ hơn. Tiếng “Giết!”, tiếng chân người, tiếng hò reo chiến đấu của dân làng. Vậy là từ thế bị động, bị dồn vào bi kịch, người con kiên cường của Xô Man đã chuyển thành chủ động, khích lệ, động viên cả làng vùng lên tiêu diệt kẻ thù, chuyển hoá bi kịch riêng – tay không trước bày sói có vũ khí đầy đủ – để tạo thành sức mạnh tổng hợp – gươm giáo, lòng căm thù, dũng khí của con người và tiềm tang của mảnh đất,...Nghe tiếng thét của Tnu, cụ Mết và đội du kích từ trong rừng xà nu ào xuống làng. Nhựa xà nu tẩm vào những ngọn đuốc, gỗ xà nu biến thành cây gậy, cây rựa, mũi giáo tấn công kẻ địch. Mười tên giặc ác ôn bị giết, Tnu được cứu sống, Tnu đã chiến thắng, chiến thắng bằng lòng trung thành, bằng ý chí kiên cường, tư thế hiên ngang, bất khuất, sự bình tĩnh, tỉnh táo của bản thân anh, bằng sức sống của rừng xà nu, bằng tinh thần chiến đấu quả cảm, có tổ chức của cụ Mết, của dân làng Xô Man,...

Miêu tả và khắc hoạ nhân vật Tnu, Nguyễn Trung Thành sử dụng ngòi bút vừa tả thực với các phép tu từ so sánh, ẩn dụ, nhịp điệu câu văn bi tráng, khi trầm hùng, lắng sâu, khi mạnh mẽ, vang dội linh hoạt. Tất cả những vẻ đẹp tính cách trên của Tnu là tích hợp những vẻ đẹp trong nhân cách, lẽ sống của cả làng Xô Man. Tnu là biểu tượng rực sáng cho sức sống tiềm tang của làng Xô Man nói riêng và biết bao mảnh đất địa linh sản sinh, nuôi dưỡng nhân kiệt Việt Nam nói chung. Nhân vật Tnu toả sáng chủ nghĩa anh hùng Việt Nam thời chống Mỹ, đồng thời đẫm chất sử thi. Cuộc chiến đấu và chiến thắng của Tnu, của làng Xô Man là minh chứng cụ thể cho chân lý công cuộc kháng chiến chống Mỹ lúc bấy giờ như cụ Mết nói “Nhớ lấy, ghi lấy. Chúng nó cầm sung mình phải cầm giáo”.