Cảm nhận của em về khí phách anh hùng của người chiến sĩ yêu nước Phan Châu Trinh qua bài “Đập đá ở Côn Lôn”

Việt Nam / Lớp 8 » Phan Châu Trinh » Đập đá ở Côn Lôn

11.00
Đập đá ở Côn Lôn là khẩu khí của một người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang. Khẩu khí ấy rắn rỏi như chính khí phách của tác giả – một nhà chí sĩ yêu nước trên bước đường bôn ba cách mạng đang bị giam cầm, đày ải. Có thể nói rằng, với Đập đá ở Côn Lôn nhà chí sĩ Phan Châu Trinh đã khẳng định rằng, có một dòng thơ ca yêu nước chống ngoại xâm toát lên khí phách kiên cường bất khuất.

Trước hết tác giả đã dựng lên một tượng đài hiên ngang, lẫm liệt về người anh hùng cứu nước. Dẫu đó là một người tù nhưng hình ảnh thơ lại khiến ta liên tưởng đến tư thế của người đang làm chủ mình, làm chủ cuộc sống, muốn dùng sức mạnh và nghị lực của bản thân để hoán cải càn khôn, vũ trụ:
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Thật hào hùng, thật lẫm liệt ở cái tư thế “đứng giữa đất Côn Lôn”. Ở đây, vị trí của kẻ làm trai là vị trí trung tâm. Đất Côn Lôn như là toàn bộ hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống đầy cam go khủng khiếp. Với tư thế ấy, kẻ làm trai như muốn khẳng định sức mạnh dời non lấp biển của mình, sức mạnh ấy sánh ngang cùng trời đất, ở chính giữa trời đất. Họ tin rằng với vị trí ấy, sức mạnh đó sẽ làm cho “lở núi non”.

Đi liền với tư thế là hành động:
Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Hai câu thơ vận dụng nhiều động từ chỉ hành động mạnh, hay nói cách khác động từ chi phối toàn bộ ý tưởng của câu thơ: “xách”, “đánh tan”, “ra tay”, “đập bể”... Hình ảnh và ý thơ đối nhau chan chát vừa tạo lớp nghĩa tả thực người tù đang cầm búa để đập đá trong những buổi lao động khổ sai, vừa tạo nghĩa bóng thể hiện khí phách hào hùng của người có chí lớn.

Cùng với dụng ý sử dụng động từ, cách ngắt nhịp của hai câu thơ khiến hình ảnh thơ trở nên cứng cỏi, mãnh liệt:
Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Nhịp thơ 2/2/3 tạo nên hành động mạnh mẽ, ý chí quyết tâm của kẻ có chí vá trời lấp biển.

Và tiếp theo, hai câu luận (5 – 6) thể hiện nghị lực phi thường của kẻ làm trai trong một hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã:
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son.
“Tháng ngày”, “mưa nắng”, những thử thách của thời gian và hoàn cảnh không làm cho người chiến sĩ sờn lòng, nản chí, trái lại, lời thơ khẳng định một quyết tâm vượt qua mọi gian lao, khổ hận để giữ tấm lòng son sất.
Hai câu thơ kết, tác giả bộc lộ trực tiếp tâm tư, tình cảm của “những kẻ vá trời khi lỡ bước”. Nếu nói rằng âm hưởng chủ đạo của bài thơ là khẩu khí anh hùng của một người tuy thất thế nhưng vẫn nuôi mộng lớn dời non lấp bể thì ở hai câu kết ý tưởng đó được thể hiện nổi bật nhất:
Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể việc con con!
Hình tượng kì vĩ “những kẻ vá trời” làm ta liên tưởng đến bà Nữ Oa trong câu chuyện thần thoại, sức mạnh của Nữ Oa là sức mạnh biến cải cả trời đất, vũ trụ. Khí phách của người anh hùng trong bài thơ được toả sáng, tạo nên sức truyền cảm góp phần động viên tinh thần những người yêu nước trong những giờ phút nguy nan nhất.

Đọc xong bài thơ, có hai hình ảnh đậm nét đọng lại trong tâm trí em. Đó là hình ảnh một người bị kẻ thù đày đoạ nhưng vẫn coi thường gian khổ, chết chóc, dáng vẻ vẫn hiên ngang anh hùng. Người chí sĩ xem thực tế khổ ải của lao tù thực dân như một hoàn cảnh để tôi rèn khí phách. Một hình ảnh khácvượt lên hoàn cảnh tù đày, không gian, thời gian, một kẻ “làm trai” nguyện đem tâm huyết và nghị lực để cải tạo thế giới, biến cái cuộc sống thực tại hướng tới một chân trời sáng tươi của đất nước, dân tộc. Hai hình ảnh đó liên kết, đan xen, bổ sung cho nhau để dựng nên một tượng đài anh hùng rực rỡ trong dòng văn học yêu nước chống ngoại xâm.

Cuộc đời và thơ văn của Phan Châu Trinh sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam anh hùng.