Bí kíp giúp bạn làm bài văn tốt

Lớp 6 / Lớp 7 / Lớp 8 / Lớp 9 / Lớp 10 / Lớp 11 / Lớp 12

Chưa có đánh giá nào
Đây là những kinh nghiệm làm văn mà chúng tớ cóp nhặt được, sẽ rất có ích cho các bạn khi đi thi hay tham dự những kì kiểm tra quan trọng đấy!

Nắm ý chính, viết chính xác

Sai lầm lớn nhất của nhiều bạn là không nắm rõ ý nhưng cứ cố “phăng” tứ lung tung trong bài văn. Hay nắm lờ mờ nội dung nhưng rồi cứ viết phóng tay... như thật. Tất nhiên, việc chẳng có ý gì để viết thì thà cứ “phăng vào” trúng được ý nào hay ý đó sẽ tốt hơn để giấy trắng, nhưng điều này cũng chỉ gỡ gạt cho bạn những con điểm lẹt đẹt, an ủi mà thôi.

Chính vì thế, với những tác phẩm được thầy cô đặc biệt lưu ý, các bạn tốt nhất là nên nắm rõ nội dung chính. Cụ thể là: học thuộc những câu nói, hay những trích đoạn chính. Nhất là thơ thì cần thuộc lòng, bởi không thể nào “sửa văn” của các tác giả được. Để học nhanh và ngắn gọn nhất, các bạn nên học từ vở bài học ngữ văn. Những ý được đưa ra phân tích đều là những ý quan trọng, mỗi ý là mỗi có điểm đấy!

Ngắn gọn hơn dài dòng

Nhiều bạn khi viết văn thì suy nghĩ rằng càng viết dài thì... càng cao điểm. Số khác còn chuyền tai nhau chuyện... thầy cô nhìn chữ cho điểm. Thế nhưng những thông tin ấy chỉ đúng được 20% thôi. Nghĩa là đôi khi, thầy cô thấy thương tình nên cho thêm nửa điểm cho công viết. Còn lại, hầu hết, các thầy cô đều chấm ý và chấm cách viết là chính. Thế nên, việc viết văn dài lòng sẽ khiến điểm số bạn không cao.

Không ít bạn viết văn không hề dài nhưng quan trọng là nó đủ những ý cần nêu. Câu văn xúc tích, ngắn gọn sẽ chiếm được cảm tình của người đọc. Ngược lại, viết lặp đi lặp lại các ý, câu văn dài lê thê sẽ khiến người đọc khó chịu. Nhất là những đoạn mở đầu, hay phần kết bài, các bạn đừng dại mà kéo ý. Bởi giáo viên thường đọc phần mở và phần kết rất kĩ. Nếu bạn viết ý trùng lấp, dài dòng ngay từ đầu, có thể khiến giáo viên “ngán” và đánh giá không mấy cao.

Kiểm soát lỗi chính tả và những lỗi câu

Phóng tay viết, nhưng ít teen nào dành thời gian để mình “rà soát” lỗi chính tả và những lỗi câu. Đó là lí do vì sao nhiều bài văn dài ngoằn nghèo mà vẫn ít điểm. Hay cái nhận xét: “Diễn đạt lủng củng” mà thầy cô hay phê cũng bắt nguồn từ lỗi này. Nguyên nhân là thông thường khi viết, các teen đều “phóng” ngôn từ theo suy nghĩ. Câu thường bị thiếu chủ ngữ, vị ngữ và các lỗi lập từ. Thêm vào đó là những con số... quen tay viết tắt. Tất cả những lỗi này gộp vào, có thể kiến teen mất điểm như chơi.

Nguyên nhân của việc các teen sai lỗi chính tả và những lỗi câu nhiều như mưa trong bài văn, thường là do cách phát âm sai. Số khác do bị nhầm lẫn giữa văn nói và văn viết. Để rà soát những lỗi này, bạn cần đọc thật kĩ từng câu, bởi việc đọc lướt thì theo thói quen, bạn vẫn sẽ để sót những lỗi chính tả, lỗi câu không đáng có.

Tham khảo văn mẫu và vở trên lớp

Nếu bạn từng nghĩ rằng chỉ có học sinh kém môn văn mới tham khảo văn mẫu thì hoàn toàn sau lầm rồi đấy nhé. Chúng tớ đã thâm nhập vào nhiều lớp chuyên Văn, và được biết, bí quyết của hầu hết các bạn học Văn tốt là đọc và học theo văn phong từ những cuốn sách hay, đặc biệt là thường xuyên tham khảo văn mẫu.

Tất nhiên, bạn chỉ nên đọc và lựa chọn những ý hay, những câu văn xuất sắc để ghi nhớ và... biến thành văn của mình. Nếu bạn lạm dụng nó hay thường xuyên vừa đọc chép thì nó càng làm tình tình xấu đi. Một thói quen không tốt của nhiều bạn khi đọc văn mẫu là vừa mở ra, vừa đọc vừa làm. Thế nên lâu lâu “bí quá” chép luôn vào vở. Nhưng cách tốt nhất, là các bạn nên tham khảo xong đóng lại, và tự viết theo cách của mình. Một thời gian dài, nó sẽ cải thiện đáng kể khả năng viết văn của bạn đấy!

Và những bí quyết nhỏ nhỏ...

Mách bạn thêm một vài bí kíp nhỏ nhỏ nữa là hãy làm phần mở bài, kết bài và mở đầu thân bài thật hay. Bởi những phần đó tác động trực tiếp vào cảm nghĩ của người đọc và gây ấn tượng nhiều nhất. Thêm nữa là để nâng cao “khả năng” làm văn của mình, tốt nhất bạn nên học thuộc bài học thầy cô cho ghi trong môn văn học rồi lấy nó làm nền tảng để viết chăm chút. Như thế, nếu bạn diễn đạt chưa khéo thì bạn vẫn có điểm “ý đúng” nữa đấy.

Cuối cùng, bạn có thể học mua thêm một cuốn sách thơ, những bài văn thuộc thể loại kháng chiến hay thơ tình, bạn hãy mượn thơ của các tác gia nổi tiếng để mở bài và kết. Như vậy sẽ tạo nhiều ấn tượng và khiến người đọc cảm giác rằng kiến thức văn chương của bạn cũng khá... “uyên bác”.