Bình luận bài thơ “Tây Tiến” (1)

Việt Nam / Lớp 12 » Quang Dũng » Tây Tiến

34.67
Cho đến nay Tây Tiến vẫn là một đài thơ (thi sơn) đầy kỳ bí. Cái ma lực, cái âm hưởng của bài thơ Tây Tiến chưa ai lý giải hết được. Phải chăng cái hay là bởi lời thơ, ý thơ, hình tượng thơ giàu nhạc điệu được chứa trong một hồn thơ thật mới lạ và rất sâu sắc? Con người nồng hậu, nét bút tài hoa trong cách sử dụng ngôn ngữ thơ và hình ảnh thơ đã làm nên kiệt tác thơ Tây Tiến. Cái độc đáo của bài thơ là không có cấu tứ,cái kết của bài thơ (của cuộc hành binh) lại không nằm ở cuối bài mà lại nằm ở 2 câu 13-14/34:
Nhớ ôi, Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Với Tây Tiến, Quang Dũng dưa ta đi vào một thế giới đầy mùi hương hoài niệm, của sự vọng tưởng diệu huyền. Với Tây Tiến, Quang Dũng đã xây tượng đài về anh bộ đội Cụ Hồ (Vệ quốc đoàn - Vệ út - Vệ túm - Lính râu ria) thời kháng chiến 9 năm đầy gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng - cái buổi đầu đi làm cách mạng của những trai tài gái sắc đất Hà thành (và ven đô) hiên ngang, hào hoa phong nhã, cái thời “chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh” (tả thực) với “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” (lãng mạn).

Bút pháp bậc thầy của Tây Tiến là nhà thơ đã vận dụng sáng tạo kỹ xảo thơ truyền thống (thơ Đường) với “phép đối” trong từng câu, đoạn thơ, từng khổ thơ tạo ra 2 vế âm/dương, tương phản trong một “trường đối nghịch” (thủ pháp đối lập) nhằm tô đậm ý tưởng “không ca ngợi một chiều” mà là phản ánh đúng hiện thực của cuộc chiến... đó là sự đói chọi, sự tàn khốc của chiến tranh lấy ý chí (Việt Nam) chọi lại sắt thép (thực dân Pháp). Thủ pháp đối ý, đối âm trong Tây Tiến với những câu thơ ăm ắp hồn chiến sĩ, tạo nên khẩu khí bi tráng của toàn bài. Đó là lối diễn đạt độc đáo, cao thủ mà hình như chỉ riêng Quang Dũng một mình trong cõi thơ
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
để Tây Tiến ở một vị trí tượng đài vút lên trời xanh giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ của Tổ quốc!

Trong Tây Tiến có một hình tượng thơ đã làm không ít người thắc mắc, đó là
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa...
đó chẳng qua là một từ hoa “ẩn dụ” cảm từ câu ca dao xứ Mường “trăm thứ hoa không bằng hoa con gái” mà con gái Thái - Mường là “bông hoa rừng”chèo thuyền độc mộc đưa bộ đội qua sông đang mùa nước lũ... Qua rồi để nhà thơ lãng mạn lưu giữ một bóng dáng cô lái đò trên “Châu Mộc chiều sương ấy” cứ đong đưa trong con mắt người Sơn Tây đẹp đến lạ lùng.

Cái chết (hi sinh) của người chiến sĩ nay không phải là “da ngựa bọc thây” mà là “chiến bào thay chiếu anh về đất” để Sông Mã gầm lên như súng thần công bắn vang trời tiễn đưa người anh hùng...

Dùng cái bi, cái mất mát để tôn vinh cái hào hùng... với cảm hứng lãng mạn cách mạng được đặc tả trên cái nền hiện thực đã tạo nên âm hưởng, ma lực kỳ diệu của bài thơ Tây Tiến rất kinh điển mà cũng rất hiện đại - đó là một trong những bài thơ hay nhất của thơ Việt Nam thế kỷ XX đặt trong hành trang ta mang theo đi vào thế kỷ XXI, hội nhập cùng làng thơ thế giới hôm nay.
Hà Nội 8/2005 - Nguyễn Khôi