Bình giảng bài ca dao “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài...”

Việt Nam / Lớp 7 » Khuyết danh Việt Nam » Ca dao, dân ca: Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người

14.00
Thăng Long – Hà Nội, những tiếng thương yêu ấy, mỗi lần được nhắc đến cứ dội mãi, âm vang mãi trong lòng ta. Câu ca dao:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
Đã cùng dòng sữa ngọt ngào của mẹ hiền thấm sâu vào hồn ta tự bao giờ? Bà Huyện Thanh Quan có bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” biết bao thương nhớ buồn đau: “Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”?, gần 200 năm về trước. Không biết hai câu ca dao này có ra đời cùng thời với bài thơ trên của nữ sĩ?

Nhà thơ dân gian rất điệu đà, tài hoa dùng lối nói phủ định “chẳng thơm”, “không thanh cũng” để khẳng định cái hương thơm của hoa nhài, cái vẻ đẹp thanh lịch của người Tràng An. Một nét đặc sắc nữa của câu ca dao là nghệ thuật so sánh; từ so sánh mà tạo nên liên tưởng bình giá. Hoa nhài là một thứ hoa có hương thơm trong các loài hoa; người Tràng An có nét đẹp thanh lịch tiêu biểu cho phẩm chất cao quý của con người Việt Nam ở khắp mọi vùng quê đất nước. Từ hương thơm của hoa nhài, của thảo mộc mà liên tưởng đến vẻ đẹp tâm hồn, nét đẹp trong ứng xử của con người Tràng An, của nhân dân Việt Nam chúng ta. Nghệ thuật so sánh – liên tưởng ấy rất đặc sắc, gợi ý người đọc người nghe hãy mở rộng tâm hồn đón nhận một thông tin, nâng tầm trí tuệ để khám phá một sự vật, một hiện tượng, con người một miền quê đất nước. Nhà thơ dân gian có một lối nói rất hay, rất nhẹ nhàng, tế nhị, không lên giọng, không hề áp đặt một ý tưởng nào, một nhận xét nào. Nhưng bất kì một con người nào, lứa tuổi nào thuộc địa phương nào hễ một lần được nghe câu ca dao này đều tâm đắc, thú vị và tấm tắc:
‐ Hoa nhài thật thơm, thật đẹp
‐ Người Tràng An rất thanh lịch!

Cách nói nhẹ nhàng, tế nhị ấy, tự hào mà nhã nhặn ấy, đáng để chúng ta học tập. Tác giả câu ca dao “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài...” có thể là một người Tràng An rất hào hoa, lịch lãm?

Hoa nhài và con người Tràng An. Nhài là một loài hoa thân thuộc hữu sắc hữu hương. Nhài dễ trồng và lưu niên. Một khóm nhài có thể gắn liền với một mảnh vườn, một hiên nhà, một đời người. Sắc nhài trắng muốt, hương nhài thanh khiết, thanh tao. Nụ nhài xinh xắn. Hoa nhài hàm tiếu đẹp như những chiếc cúc bằng bạch ngọc trên, màu áo rực rỡ của các nàng công chúa thời Lê – Trịnh xa xưa. Hương nhài dịu dàng trong vườn khuya, nồng nàn bên thềm nhà lúc mờ sáng. Nhài là một loài danh hoa mà dân dã. Cũng như cây hoè, khóm nhài thân thuộc với mọi vườn quê. Hương nhài ướp trà; một hai chén trà sương ướp nhài ướp sen là thú vui của các cụ già cao niên sống cuộc đời thanh đạm, thanh nhàn; một nét đẹp về ẩm thực đậm đà bản sắc nền văn hoá Việt Nam. Sắc trắng của nhài còn tượng trưng cho tâm hồn trinh trắng, đức tính dịu dàng, thuỷ chung, nết na của người con gái Việt Nam xưa nay.

Hoa nhài chiếm một địa vị sang trọng trong thơ ca dân tộc. Phần Môn hoa mộc trong Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi không chỉ nói đến tùng, cúc, trúc, mài, hoè, sen, lan, mẫu đơn,...mà còn dành cho hoa nhài những vần thơ đẹp nhất:
Môi son bén phấn dây dây,
Đêm nguyệt đưa xuân một nguyệt hay...
(Hoa nhài)
“Môi son bén phấn” là ẩn dụ nói về nhan sắc. Sắc hương của hoa nhài là báu vật của tạo hoá, là thiên hương tượng trưng cho tài sắc của giai nhân. Nhài trổ nụ kết hoa vào xuân – hè. Nhài toả hương về đêm, chỉ trăng mới “hay” mới biết, mới cảm nhận được hương sắc thanh quý của hoa nhài. Vì thế, hoa nhài mới được gọi là hoa dạ lai hương. Thi sĩ Xuân Diệu gọi nhài là lài. Bài thơ Hoa đêm rút trong thi tập Gửi hương cho gió có những câu rất hay, rất mới lạ:
Ôi vắng lặng!
‐ Trong giờ mơ ngủ ấy Bông hoa lài thức dậy, sánh từng đôi.
Hoa lài xanh dưới ánh nguyệt tuôn trời;
Ánh nguyệt trắng trên hoa lài đúc sữa.
(...)
Hương hiu hiu nên gió cũng ngạt ngào;
Hôn nho nhỏ mà đầu hoa nặng trĩu...

(1940)
Qua đó, ta mới thấy được cái hay, cái đẹp, cái ý vị của câu ca dao thứ nhất “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài”. Nhưng ý tưởng chính mà nhà thơ dân gian muốn gửi gắm là ở câu ca thứ hai: “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

“Thanh lịch” nghĩa là nhã nhận, lịch thiệp.

Thanh lịch là một nét đẹp trong giao tiếp, ứng xử, trong nếp sống và tâm hồn, thể hiện một đời sống tinh thần phong phú, một nhân cách văn hoá cao đẹp. Trái với thanh lịch là thô lỗ, cục cằn, vụng về.

“Tràng An” hay Trường An là một trong những thành thị cổ nổi tiếng của Trung Quốc, nơi đóng đô của nhiều triều đại từ Hán đến Tuỳ, Đường, kéo dài trên một nghìn năm. Hai tiếng Tràng An trọng thơ văn Việt Nam cũng như trong câu ca dao này chỉ Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội. Tức là kinh đô Đại Việt qua các triều đại Lí, Trần, Lê. Cũng là thủ đô nước Việt Nam thân yêu của chúng ta ngày nay.

Câu ca dao “Dầu không thanh lịch cũng người Tràng An” đã khẳng định và ca ngợi vẻ đẹp thanh lịch của người Thăng Long – Hà Nội. Đó là cách ăn nói dịu dàng, giản dị, lịch sự, trong sáng, truyền cảm. Tiếng nói của người Hà Nội là chuẩn mực trong sáng của tiếng Việt. Cách đọc, cách nói, cách phát âm, ngữ điệu, giọng điệu, âm điệu đều chuẩn mực. Đó là lối sống, phép ứng xừ có văn hoá, văn minh, lịch thiệp của người Hà Nội. Phụ nữ Hà Nội thì xinh đẹp, duyên dáng, đoan trang, dịu hiền, lanh lợi, thông minh sắc sảo, giỏi nữ công gia chánh, v.v... Cách ăn mặc của gái Thủ đô trang nhã, đẹp mắt. Thời xưa đã thế, thời nay cũng thế, dù y phục thời trang có thay đổi. Đây là một nét đẹp thanh lịch của thiếu nữ Hà Nội khi đi lễ hội Hương Tích ngày xưa được nói đến trong bài thơ Chùa Hương của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp, năm 1934 đã được phổ nhạc:
Hôm nay đi chùa Hương.
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy.
Em vấn đầu soi gương.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao;
Em đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới.
Tay cầm nón quai thao...
Đàn ông Hà Nội, con trai Hà Nội thông minh, tài hoa, phong nhã. Đời thường đã đẹp, thời chiến tranh càng đẹp. Vác gươm đi đánh giặc để trả nợ non sông, một đi không hẹn ngày về, chàng trai Hà Nội mang theo bao nỗi nhớ đẹp. Nỗi nhớ thanh lịch hào hoa của khách chinh phu:
Từ thuở mang gươm đi giữ nước,
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long.
(Huỳnh Văn Nghệ)
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
(Quang Dũng)
Đó còn là cách ẩm thực, cách sinh hoạt thanh lịch của người Tràng An. Từ ngôi nhà đến mọi vật dụng, từ bàn thờ gia tiên đến nén hương, mâm cỗ ngày giỗ tết, từ bữa cơm thường nhật đến bữa cơm khách, từ ông bà cha mẹ đến con cháu anh em trong gia đình, dù là dân lao động, bậc trung lưu hay trí thức, ta có để ý mới thêm lòng cảm mến về vẻ đẹp thanh lịch của con người Tràng An. Vẻ đẹp ấy không phải là sự cách điệu làm dáng mà là truyền thống đã chuông đúc nên thành tâm hồn, thành máu thịt và nhịp sống lâu bền.

Cảnh thi hoa thuỷ tiên ở đền Bạch Mã những năm đầu của thế kỉ 20 mà nhà văn Nguyễn Tuân đã có lần nói đến. Hoa thuỷ tiên do bàn tay khéo léo của cô gái Hà Nội gọt nở đúng đêm Giao thừa, trà thuỷ tiên do bàn tay người vợ quê nơi 36 phố phường ướp, ấm trà thuỷ tiên ngát hương đậm vị do người vợ gốc Hà Nội pha... đã trở thành nỗi nhớ của người xa xứ được nhà vãn Vũ Bằng nhắc lại rất cảm động trong kiệt tác “Thương nhớ mười hai”, v.v... tất cả đều là vẻ đẹp thanh lịch của người Tràng An.

Thật đúng là “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Cốm Vòng “báu vật của trời”, chiếc đòn gánh uốn cong như mũi thuyền rồng, và cách ăn cốm, ăn quà của người Hà Nội được nhà văn Thạch Lam nói đến trong Hà Nội, 36 phố phường. Hình ảnh cô gái Ngọc Hà tưới hoa:
Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát,
Vườn Ngọc Hà thơm ngát gần xa,
Hỏi người xách nước tưới hoa,
Có cho ai được vào ra chốn này?
Lại có câu tục ngữ: “Ăn Bắc, mặc Kinh”. Và còn có câu ca dao:
Chẳng thanh cũng thể hoa mai,
Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh.
Tất cả những câu thơ ấy đã giúp mỗi chúng ta cảm nhận được một vài nét đẹp thanh lịch của con người Hà Nội.
Vì sao mà người Hà Nội thanh lịch?
Thăng Long nghìn nắm văn hiến, nghìn năm văn vật, là nơi hội tụ mọi tinh hoa, tài hoa của dân tộc ta, đất nước ta. Là kinh đô, thủ đô, là trung tâm kinh tế, chính trị; văn hoá... của Việt Nam, là nơi kết tinh mọi tinh hoa của nền văn hoá Đại Việt, là nơi đi đầu trong việc tiếp thu, học tập mọi tinh hoa của các nền văn minh Đông, Tây qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Trong chúng ta, ai là người con của Hà Nội? Ai là người gốc Hà Nội? Phải là một Nhà Hà Nội học mới hi vọng nói được đầy đủ cái hay, cái đẹp của Hà Nội, cái vẻ đẹp thanh lịch của con người Tràng An.

Quê hương mỗi chúng ta, trên mọi miền đất nước, dù ở gần hay ở xa Hà Nội, cũng có bao điều rất tốt đẹp để chúng ta tự hào? Và người Tràng An đâu chỉ toàn thanh lịch? Bước vào thiên niên kỉ mới, thời kì đổi mới và hội nhập, chắc chắn Hà Nội sẽ đi tiên phong trong cả nước, lập nên bao thành tựu kì diệu. Và đồng bào Thủ đô, bên cạnh vẻ đẹp thanh lịch sẽ có thêm bao phẩm chất cao quý khác.
Tuổi trẻ chung ta, ai cũng mơ ước học giỏi, được học Đại học ở Hà Nội để phát huy tài năng. Được sống và học tập ở Hà Nội là một hạnh phúc lớn thời cắp sách. Phần lớn chúng ta mới biết Thủ đô, con người Hà Nội qua sách báo và truyền hình. Có một sự thật hiển nhiên là Hà Nội trong trái tim ta, là niềm tự hào của mỗi chúng ta.

Thăng Long, thế đất “rồng bay hổ phục”, nơi vua Lí Thái Tổ định đô (1010), là nơi Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo, là nơi có gò Đống Đa và tượng người Anh hùng dân tộc Quang Trung. Hà Nội thủ đô nước Việt Nam mới, nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, là nơi diễn ra trận “Điện Biên Phủ trên không” bắn rơi pháo đài bay giặc Mĩ. Không yêu mến, không tự hào Hà Nội sao được?

Câu ca dao:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,
Dầu không thanh lịch cũng người Tràng An.
đã mở rộng tâm hồn ta, tâm trí ta trên một tầm cao nhân văn để học tập và tiếp thu vẻ đẹp thanh lịch của người Tràng An. Vẻ đẹp thanh lịch ấy đã được ướp hoa nhài để mãi mãi toả ngát hương trong lòng ta...