Đàn ghi ta của Lor-ca

Việt Nam / Lớp 12 » Thanh Thảo

Nội dung

Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn
(Ph.G. Lorca)

những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn

Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du

tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy

không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng

đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghi-ta màu bạc

chàng ném lá bùa cô gái di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt

li-la li-la li-la...
1979

Đàn ghi ta là đàn có sáu dây kim loại hoặc nhựa tổng hợp bọc kim loại, mặt cộng hưởng hình thắt cổ bỗng, trên có lỗ thoát âm. Ghi ta được coi là nhạc cụ truyền thống của đất nước Tây Ban Nha, vì thế, ngoài tên gọi chính, ghi ta còn được nhiều người gọi bằng một cái tên khác là Tây Ban cầm

Lor-ca tên đầy đủ là Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca (1898 – 1936), một trong những tài năng sáng chói của văn học hiện đại Tây Ban Nha. Từ nhỏ, Lor-ca đã được coi là thần đồng với năng khiếu thiên bẩm trên nhiều lĩnh vực của nghệ thuật: thơ ca, hội hoạ; âm nhạc, sân khấu,... Sau khi tốt nghiệp đại học Luật ở Gra-na-đa, năm 1919, Lor-ca lên Ma-đrit (thủ đô Tây Ban Nhai tham gia vào đời sống nghệ thuật. Trước một Tây Ban Nha) dưới sự cai trị của chế độ độc tài pri-nô đê Ri-vê-ra, đã trở nên hết sức phản động về chính trị và đang trên đường già cỗi về nghệ thuật, Lor-ca vừa nồng nhiệt cổ vũ nhân dân đấu tranh với mọi thế lực áp chế, đòi quyền sống chính đáng vừa khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân trong các lĩnh vực nghệ thuật. Sự có mặt của Lor-ca cùng nhiều tài năng khác lúc bấy giờ đã khiến cho đời sống tinh thần của Tây Ban Nha và có một vùng rộng lớn thuộc khu vực Tây Âu trở nên sôi động. Hoảng sợ trước ảnh hưởng xã hội to lớn của Lor-ca, năm 1936, chế độ phản động cực quyền thân phát xít đã bắt giam và bắn chết ông. Cái chết của Lor-ca đã làm dâng lên một làn sóng phẫn nộ hết sức mạnh mẽ trên thế giới đối vời bè lũ Phrăng-cô (một cách gọi thể chế thân phát xít lúc bấy giờ. Tên tuổi của Lor-ca từ đó trở thành một biểu tượng, là ngọn cờ tập hợp các nhà văn hoá Tây Ban Nha và thế giới chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ văn hoá dân tộc và văn minh nhân loại.

Những năm gần đây, Thanh Thảo vẫn tiếp tục làm thơ đồng thời viết báo, tiểu luận phê bình và nhiều thể loại khác nhưng đóng góp quan trọng và đặc sắc nhất của ông vẫn là thơ ca. Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người trí thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại. Tuy nhiên, ông muốn cuộc sống phải được cảm nhận và thể hiện ở bề sâu nên luôn khước từ lối biểu đạt dễ dãi. Ông được coi là một trong số không nhiều cây bút luôn nỗ lực cách tân thơ Việt với xu hướng đào sâu vào cái tôi nội cảm, tìm kiếm những cách biểu đạt mới qua hình thức câu thơ tự do, xoá bỏ mọi ràng buộc, khuôn sáo bằng nhịp điệu bắt thường để mở đường cho một cơ chế liên tưởng Phóng khoáng nhằm đem đến cho thơ một mĩ cảm hiện đại với hệ thống thi ảnh và ngôn từ mời mẻ. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca rút trong tập Khối vuông ru-bích, là một trong những sáng tác tiêu biểu cho kiểu tư duy thơ của Thanh Thảo: giàu suy tư, mãnh liệt, phóng túng trong xúc cảm và đương nhiên không dễ hiểu vì ít nhiều nhuốm màu sắc tượng trưng, siêu thực mà ông học tập ở chính nhà thơ hiện đại Tây Ban Nha: Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca. Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca thể hiện nỗi đau xót sâu sắc trước cái chết bi thảm của Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca, nhà thơ thiên tài Tây Ban Nha. Thái độ ngưỡng mộ người nghệ sĩ đại diện cho tinh thần tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật của thế kỷ XX bị giết hại một cách phũ phàng được biểu đạt bằng một hình thức độc đáo: kết hợp hài hoà hai yếu tố thơ và nhạc về cấu tứ; sức gợi mở đa dạng, phong phú về hình ảnh và sự mới mẻ về ngôn từ.

Nguồn: Khối vuông rubích, NXB Tác phẩm mới, 1985