Ôn tập truyện dân gian

Lớp 6

113.91

Văn mẫu

Nội dung

1. Hãy đọc lại, ghi chép và học thuộc định nghĩa ở những phần chú thích có dấu (*) trong sách giáo khoa này về các thể loại: truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười.

2. Đọc lại các truyện dân gian trong sách giáo khoa.

3. Viết lại tên những truyện dân gian (theo thể loại) mà em đã học và đã đọc (kể cả truyện dân gian của một số nước khác).

4. Trao đổi ý kiến ở lớp: Từ các định nghĩa và từ những tác phẩm đã học, hãy nêu và minh hoạ một số đặc điểm tiêu biểu của từng thể loại truyện dân gian.

5. Trao đổi ý kiến ở lớp: So sánh sự giống và khác nhau giữa truyền thuyết với truyện cổ tích, giữa truyện ngụ ngôn với truyện cười.

6. Tham gia hoạt động ngoại khoá của lớp, trường với các nội dung sau:
- Thi kể lại truyện dân gian (đã học hoặc đã đọc);
- Diễn kịch (kịch bản được chuyển thể từ truyện dân gian), nếu có thể;
- Vẽ tranh, làm thơ, sáng tác truyện dựa vào truyện dân gian, nếu có thể.

ĐỌC THÊM

1. Về truyền thuyết
“Những truyền thuyết dân gian thường có cái cốt lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân ta, qua nhiều thế hệ, đã lí tưởng hoá, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình, cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của trí tưởng tượng dân gian, làm nên những tác phẩm văn hoá mà đời đời con người còn ưa thích.”
(Phạm Văn Đồng, Nhân ngày giỗ Tổ cua Hùng, báo Nhân dân, ngày 29 – 4 – 1969)

2. Về truyện cổ tích
“Trong các truyện cổ tích, người ta bay trên không trung, ngồi lên tấm thảm biết bay, đi hia bảy dặm, phục sinh những người đã chết bằng cách rắc nước thần lên họ, trong một đêm thôi cũng xây dựng được những lâu đài, và nói chung, truyện cổ tích đã mở ra trước mắt tôi cánh cửa sổ để trông vào một cuộc sống khác, trong đó có một lực lượng tự do nào đó không biết sợ đang tồn tại và hoạt động, mơ tưởng tới một cuộc đời tốt đẹp hơn.”
(M. Go-rơ-ki, Về truyện cổ tích)
3. Về truyện ngụ ngôn
“Chỉ vì cái lòng vui thích khiến cho người ta muốn nghe, dễ nghe ấy mới sinh ra có truyện ngụ ngôn.

“Nói ngay hay trái tai”. Cái trò đời, xưa nay vẫn thế! Cứ đem một sự thật chần chẫn ra mà dạy người, có phần như hơi ép uổng không được dễ dàng. Cách ngôn, huấn ngôn dạy nhời nào, ai chẳng quý hoá, chẳng khâm phục, song nó vẫn như còn treo cao, còn để xa, không được thiết tha gần nhân tâm cho lắm. Nên nghiêm trang chính đính mà dạy đạo đức là một cách khác, thì vui cười hỉ hả mà dạy đạo đức là một cách khác, và cách sau đem so với cách trước, có phần dễ được việc, chóng nên công hơn. Viên thuốc để chữa bệnh mà phải bọc vỏ ngoài cho đẹp như viên kẹo mới dễ khiến người nuốt, thì sự chân lí muốn cho dễ thấm thía vào tâm linh người ta, cũng phải lựa một con đường nào cho dễ đi, cho chóng lọt vào đến nơi được.

Nhiều khi cha không đủ làm gương cho con, anh không thể dạy nổi em, thầy không tận từ[1] giáo hoá được học trò. Cách trực tiếp dùng đã không xong, người làm cha, làm anh, làm thầy mới phải dùng đến cách gián tiếp, nghĩa là đem cái ý này mà gửi vào nhời kia, đưa cái tư tưởng của mình mà mượn người khác, mượn loài vật, mượn cây cối, mượn thần, Phật,... dẫn ra cho đắc lực. Bởi vậy mà ngụ ngôn mới hữu dụng, bởi vậy mà ngụ ngôn thành có thế. Mười câu ngụ ngôn thì được người thích đến chín câu (“ngụ ngôn thập, cửu”). Trang Tử[2] đời xưa nói câu như thế là hiểu cái nhẽ đó. La Phông-ten[3] sau này tất cũng hiểu, cũng thi hành một cái nhẽ đó, nên mới cũng làm sách ngụ ngôn và cũng có câu rằng:

Cứ nói thuần luân lí, thì dễ sinh lòng chán nản;
Có mượn truyện kể ra, thì luân lí mới trôi chảy.”
(Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Đông Tây ngụ ngôn, Tủ sách Hoa tiên, Sài Gòn, 1970, tr.5 – 6)
[1] Đem hết lời.
[2] Nhà triết học, nhà viết ngụ ngôn nổi tiếng của Trung Quốc thời Chiến quốc.
[3] Nhà viết ngụ ngôn nổi tiếng của Pháp ở thế kỉ XVII.