Ôn tập phần làm văn

Lớp 12

Chưa có đánh giá nào

Văn mẫu

Nội dung

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

- Hệ thống hoá tri thức về các kiểu loại văn bản đã học trong chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông, đặc biệt là lớp 12.
- Viết được các kiểu loại văn bản đã học, đặc biệt là văn bản nghị luận.

I. NHỮNG NỘI DUNG KIẾN THỨC CẦN ÔN TẬP

1. Thống kê các kiểu văn bản đã học trong chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông và cho biết những yêu cầu cơ bản của các kiểu văn bản đó.

2. Theo anh (chị), để viết được một văn bản, cần thực hiện những công việc gì?

3. Ôn tập về văn nghị luận.

a) Đề tài cơ bản của văn nghị luận trong nhà trường.
- Đề tài của văn nghị luận trong nhà trường gồm những nhóm nào?
- Các đề tài đó có những điểm gì chung và khác biệt?

b) Lập luận trong văn nghị luận
- Lập luận gồm những yếu tố nào?
- Thế nào là luận điểm, luận cứ và phương pháp lập luận? Quan hệ giữa luận điểm và luận cứ?
- Hãy cho biết yêu cầu cơ bản và cách xác định luận cứ cho luận điểm.
- Kể tên các thao tác lập luận cơ bản, cho biết cách tiến hành và sử dụng các thao tác lập luận đó trong bài văn nghị luận.
- Nêu vắn tắt các lỗi thường gặp khi lập luận và cách khắc phục các lỗi đó.

c) Bố cục của bài văn nghị luận
- Vai trò của phần mở bài đối với bài văn, những yêu cầu đối với phần mở bài. Cách mở bài cho các kiểu bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, một hiện tượng đời sống; nghị luận về một ý kiến bàn về văn học, một bài thơ, đoạn thơ và một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi.
- Vị trí, nội dung cơ bản của phần thân bài trong các kiểu bài nghị luận đã học; cách sắp xếp các nội dung đó; sự chuyển ý giữa các đoạn.
- Vai trò và yêu cầu của phần kết bài, cách kết bài cho các kiểu bài nghị luận đã học.

d) Diễn đạt trong văn nghị luận
- Yêu cầu của diễn đạt trong văn nghị luận; cách dùng từ, viết câu và giọng văn trong văn nghị luận.
- Các lỗi về diễn đạt và cách khắc phục.

II. LUYỆN TẬP

1. Đề bài

Đề 1. Đọc truyện sau:
BA CÂU HỎI

Ngày nọ, có một người đến gặp nhà triết học Xô-cơ-rát (Hi Lạp) và nói: “Ông có muốn biết những gì tôi mới nghe được về người bạn của ông không?”

- Chờ một chút. - Xô-cơ-rát trả lời - Trước khi kể về người bạn tôi, anh nên suy nghĩ một chút và vì thế tôi muốn hỏi anh ba điều. Thứ nhất: Anh có hoàn toàn chắc chắn rằng những điều anh sắp kể là đúng sự thật không?

- Ồ không. - Người kia nói - Thật ra tôi chỉ nghe nói về điều đó thôi và...

- Được rồi. - Xô-cơ-rát nói - Bây giờ điều thứ hai: Có phải anh sắp nói những điều tốt đẹp về bạn tôi không?

- Không, mà ngược lại là...

- Thế à? - Xô-cơ-rát tiếp tục - Câu hỏi cuối cùng: Tất cả những điều anh sắp nói về bạn tôi sẽ thật sự cần thiết cho tôi chứ?

- Không, cũng không hoàn toàn như vậy.

- Vậy đấy. - Xô-cơ-rát quay sang người khách và nói: “...”

(Theo Phép màu nhiệm của đời, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004)
Theo anh (chị), Xô-cơ-rát sẽ nói với người khách như thế nào? Hãy bình luận về bài học rút ra từ câu chuyện trên.

Đề 2. Phân tích một đoạn mà anh (chị) thích nhất trong đoạn trích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.

2. Yêu cầu luyện tập

a) Tìm hiểu đề: Hai đề bài trên yêu cầu phải viết kiểu bài nghị luận nào? Những thao tác lập luận nào cần sử dụng trong bài viết? Những luận điểm cơ bản nào cần dự kiến cho bài viết?

b) Lập dàn ý cho bài viết.

c) Tập viết phần mở bài cho từng bài viết.

d) Chọn một ý trong dàn ý để viết thành một đoạn văn.