Ôn tập phần Văn học

Lớp 12

Chưa có đánh giá nào

Văn mẫu

Nội dung

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

- Nắm được một cách hệ thống và biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo những kiến thức cơ bản về văn học Việt Nam và văn học nước ngoài đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 12, học kì I.
- Có năng lực phân tích văn học theo từng cấp độ: sự kiện, tác giả, tác phẩm, hình tượng, ngôn ngữ văn học,...

I – NỘI DUNG ÔN TẬP

Sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập một gồm một số tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX. Nội đung của phần này có mấy điểm cần lưu ý:

1. Về bài Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX

Điều quan trọng nhất là phải hiểu được hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước ta từ năm 1945 đến năm 1975 (hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vô cùng ác liệt) để có thể giải thích được các đặc điểm cơ bản của văn học, nắm được tiêu chí đánh giá thành tựu và những hạn chế khó tránh khỏi của giai đoạn văn học này theo quan điểm lịch sử.

Về giai đoạn văn học từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX, cần nắm được hoàn cảnh lịch sử, xã hội và những chuyển biến bước đầu của giai đoạn văn học này về các mặt: quan điểm sáng tác của nhà văn, những đổi mới về thể loại sáng tác và lí luận, phê bình văn học.

2. Về hai bài có tính chất khái quát về tác giả văn học: Hồ Chí Minh và Tố Hữu.

Hai bài này đều gắn với những bài học về tác phẩm cụ thể của các tác giả nói trên. (Hồ Chí Minh gắn với bài học về Tuyên ngôn Độc lập, Tố Hữu gắn với bài học về Việt Bắc).

Đối với nền văn học Việt Nam hiện đại, Hồ Chí Minh là một tác giả xuất hiện khá sớm với những truyện ngắn, kí và văn chính luận viết bằng tiếng Pháp từ đầu những năm hai mươi của thế kỉ XX. Tuyên ngôn Độc lập của Người là áng văn mở nước, đồng thời cũng mở đầu thời kì văn học từ sau Cách mạng tháng Tám. Sáng tác văn học của Người, từ truyện, kí, văn chính luận đến thơ ca, có vị trí quan trọng đối với nền văn học hiện đại Việt Nam. Hồ Chí Minh là nhà văn, nhà thơ cách mạng tiêu biểu nhất, đồng thời là nhà văn hoá lớn của dân tộc. Khi ôn tập về tác giả Hồ Chí Minh, cần lưu ý: quan điểm sáng tác nhất quán; sự nghiệp văn học đa dạng, phong phú; phong cách nghệ thuật độc đáo.

Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng. Ông là nhà thơ trữ tình - chính trị lớn của nền thơ ca hiện đại Việt Nam mà mỗi chặng đường thơ đều gắn bó mật thiết với chặng đường cách mạng. Khi ôn tập về tác giả Tố Hữu, cần nắm vững: ông là nhà thơ trữ tình - chính trị lớn của thời đại mới, chủ đề xuyên suốt đời thơ của ông là ca ngợi lí tưởng cộng sản, nét nổi bật của phong cách nghệ thuật là đậm đà bản sắc dân tộc truyền thống.

3. Các tác phẩm được chọn học chính thức hay đọc thêm thuộc nhiều thể loại khác nhau: thơ, văn chính luận, hồi kí, tuỳ bút, văn nhật dụng.
Ngoài những tác phẩm văn học Việt Nam, sách giáo khoa còn chọn để đọc thêm bài Đô-xtôi-ép-xki (X. Xvai-gơ), Tự đo (P. Ê-luy-a).
Khi ôn tập các tác phẩm này, cần nắm vững đặc trưng của từng thể loại văn học để vận dụng vào việc đọc tác phẩm. Đồng thời, cũng nên so sánh những tác phẩm cùng thể loại để nhận rõ hơn những nét riêng về phong cách của mỗi tác phẩm. Ví dụ: So sánh đoạn trích Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm với bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi (thơ); so sánh Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường với Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân (tuỳ bút),...

II - PHUƠNG PHÁP ÔN TẬP

Học sinh có thể vận dụng những hình thức ôn tập sau:
- Làm bài tập tại lớp.
- Thuyết trình.
- Thảo luận ở lớp (có thể theo từng nhóm).
- Viết bào.

Có thể lập đề cương ôn tập theo hệ thống các vấn đề và câu hỏi sau:
1. Quá trình phát triển của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến hết thế kỉ XX (những giai đoạn và thành tựu chủ yếu của từng giai đoạn)?
2. Những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975?
3. Quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh? Chứng minh mối quan hệ nhất quán giữa quan điểm sáng tác với sự nghiệp văn học của Người.
4. Mục đích và đối tượng của bản Tuyên ngôn Độc lập (căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể khi Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn)? Phân tích nội dung và hình thức của tác phẩm để làm rõ Tuyên ngôn Độc lập vừa là một áng văn chính luận mẫu mực vừa là một áng văn chan chứa những tình cảm lớn.
5. Vì sao nói Tố Hữu là nhà thơ trữ tình - chính trị? Phân tích khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong thơ Tố Hữu.
6. Phân tích những biểu hiện của tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.
7. Vấn đề đặt ra và hệ thống luận điểm, cách triển khai lí lẽ và dẫn chứng trong các bài viết Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng), Mấy ý nghĩ về thơ (Nguyễn Đình Thi), Đô-xtôi-ép-xki (X. Xvai-gơ).
8. Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (so sánh với hình tượng người lính trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu).
9. Những khám phá riêng của mỗi nhà thơ về đất nước quê hương qua bài thơ Đất nước (Nguyễn Đình Thi) và đoạn trích Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm)?
10. Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh. Anh (chị) cảm nhận được gì về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ này?
11. Những điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật của các bài thơ Dọn về làng (Nông Quốc Chấn), Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên), Đò Lèn (Nguyễn Duy) và Bác ơi! (Tố Hữu).
12. So sánh Chữ người tủ tù (Ngữ văn 11, tập một) với Người lái đò Sông Đà, nhận xét những điểm thống nhất và khác biệt của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
13. Cảm hứng thẩm mĩ và văn phong của Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đoạn trích bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông?
Lưu ý: Về những tác phẩm khác, học sinh dựa vào Hướng dẫn học bài và Hướng dẫn đọc thêm để ôn tập.