Độc “Tiểu Thanh ký” Đọc “Tiểu Thanh ký”

Việt Nam / Lớp 10 » Nguyễn Du

Nội dung

讀小青記

西湖花苑盡成墟,
獨吊窗前一紙書。
脂粉有神憐死後,
文章無命累焚餘。
古今恨事天難問,
風韻奇冤我自居。
不知三百餘年後,
天下何人泣素如。


Độc Tiểu Thanh ký

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?


Dịch nghĩa

Vườn hoa bên Tây Hồ đã thành bãi hoang rồi,
Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ[1].
Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết[2],
Văn chương không có mệnh mà cũng bị đốt dở.
Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được,
Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã[3].
Không biết hơn ba trăm năm sau nữa,
Thiên hạ có ai khóc Tố Như không[4]?


Dịch thơ (Vũ Tam Tập)

Tây Hồ cảnh đẹp hoá gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?


Dịch thơ (Quách Tấn)

Hồ Tây hoa kiểng: dải gò hoang,
Cửa hé trang tho chạnh điếu nàng.
Hận luống vương thêm hồn phấn đại,
Tro chưa tàn hết luỵ văn chương.
Thanh thương khó hỏi oan chồng chất,
Phong nhã đành chung nợ vấn vương.
Rồi Tố Như, sau ba kỉ nữa,
Trần gian ai kẻ sụt sùi thương?


Dịch thơ (Vũ Hoàng Chương)

Trước song giấy mực viếng nàng,
Hồ Tây vườn cũ; gò hoang bây giờ.
Xưa nay trời vẫn làm ngơ,
Mối oan thêm một người thơ buộc mình.
Hoa tàn lệ rỏ hương thanh;
Văn chương phận mỏng chưa đành tro bay!
Rồi ba trăm năm sau đây
Còn ai khóc Tố Như này nữa chăng?
[1] Ý nói: đọc tập kí kể về cuộc đời Tiểu Thanh.
[2] Ý nói: người đẹp linh thiêng nên chết đi vẫn khiên người đời thương tiếc.
[3] Ý nói: Nguyễn Du đồng cảm với thân phận bất hạnh của nàng Tiểu Thanh vì ông cũng cùng thân phận.
[4] Bây giờ ta khóc nàng Tiểu Thanh, không biết ba trăm năm nữa ai sẽ là người khóc ta. Hai câu kể đi liền mạch với hai câu luận ở trên. Ba trăm năm không nhất thiết phải là con số chính xác mà có thể chỉ số nhiều. Tố Như là tên chữ của Nguyễn Du.