Đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận

Lớp 7

Chưa có đánh giá nào

Nội dung

I – TÌM HIỂU ĐỀ VĂN NGHỊ LUẬN

1. Nội dung và tính chất của đề văn nghị luận

Đọc các đề văn sau và trả lời câu hỏi.
(1) Lối sống giản dị của Bác Hồ.
(2) Tiếng Việt giàu đẹp.
(Đề có tính chất giải thích, ca ngợi)
(3) Thuốc đắng dã tật.
(4) Thất bại là mẹ thành công.
(5) Không thể sống thiếu tình bạn.
(6) Hãy biết quý thời gian.
(7) Chớ nên tự phụ.
(Đề có tính chất khuyên nhủ, phân tích)
(8) Không thầy đố mày làm nên và Học thầy không tày)học bạn có mâu thuẫn với nhau không?
(9) Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.
(Đề có tính chất suy nghĩ, bàn luận)
(10) Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau nên chăng?
(11) Thật thà là cha dại phải chăng?
(Đề có tính chất tranh luận, phản bác, lật ngược vấn đề)

Câu hỏi:
a) Các đề văn nêu trên có thể xem là đề bài, đầu đề được không? Nếu dùng làm đề bài cho bài văn sắp viết có được không?
b) Căn cứ vào đâu để nhận ra các đề trên là đề văn nghị luận?
c) Tính chất của đề văn có ý nghĩa gì đối với việc làm văn?

2. Tìm hiểu đề văn nghị luận

a) Tìm hiểu đề văn Chớ nên tự phụ:
- Đề nêu lên vấn đề gì?
- Đối tượng và phạm vi nghị luận ở đây là gì?
- Khuynh hướng tư tưởng của đề là khẳng định hay phủ định?
- Đề này đòi hỏi người viết phải làm gì?

b) Từ việc tìm hiểu đề trên, hãy cho biết: Trước một đề văn, muốn làm bài tốt, cần tìm hiểu điều gì trong đề?

II – LẬP Ý CHO BÀI VĂN NGHỊ LUẬN

Cho đề bài: Chớ nên tự phụ.

1. Xác lập luận điểm

Đề bài “Chớ nên tự phụ” nêu ra một ý kiến thể hiện một tư tưởng, một thái độ đối với thói tự phụ. Em có tán thành với ý kiến đó không? Nếu tán thành thì coi đó là luận điểm của mình và lập luận cho luận điểm đó. Hãy nêu ra các luận điểm gần gũi với luận điểm của đề bài để mở rộng suy nghĩ. Cụ thể hoá luận điểm chính bằng các luận điểm phụ.

2. Tìm luận cứ

Để lập luận cho tư tưởng “chớ nên tự phụ”, thông thường người ta nêu các câu hỏi: Tự phụ là gì? Vì sao khuyên chớ nên tự phụ? Tự phụ có hại như thế nào? Tự phụ có hại cho ai? Hãy liệt kê những điều có hại do tự phụ và chọn các lí lẽ, dẫn chứng quan trọng nhất để thuyết phục mọi người.

3. Xây dựng lập luận

Nên bắt đầu lời khuyên “chớ nên tự phụ” từ chỗ nào? Dẫn dắt người đọc đi từ đâu tới đâu? Có nên bắt đầu bằng việc miêu tả một kẻ tự phụ với thái độ chủ quan, tự đánh giá mình rất cao và coi thường người khác không? Hay bắt đầu bằng cách định nghĩa tự phụ là gì, rồi suy ra tác hại của nó? Hãy xây dựng trật tự lập luận để giải quyết đề bài.

Ghi nhớ
- Đề bài văn nghị luận bao giờ cũng nêu ra một vấn đề để bàn bạc và đòi hỏi người viết bày tỏ ý kiến của mình đối với vấn đề đó. Tính chất của đề như ngợi ca, phân tích, khuyên nhủ, phản bác,... đòi hỏi bài làm phải vận dụng các phương pháp phù hợp.
- Yêu cầu của việc tìm hiểu đề là xác định đúng vấn đề, phạm vi, tính chất của bài nghị luận để bài khỏi sai lệch.
- Lập ý cho bài nghị luận là xác lập luận điểm, cụ thể hoá luận điểm chính thành các luận điểm phụ, tìm luận cứ và cách lập luận cho bài văn.

III – LUYỆN TẬP

Hãy tìm hiểu đề và lập ý cho đề bài: Sách là người bạn lớn của con người.
BÀI THAM KHẢO
ÍCH LỢI CỦA VIỆC ĐỌC SÁCH

Để thoả mãn nhu cầu hưởng thụ và phát triển cho tâm hồn, trí tuệ, không gì thay thế được việc đọc sách.

Cuốn sách tốt là người bạn giúp ta học tập, rèn luyện hằng ngày.

Sách mở mang trí tuệ, hiểu biết cho ta, dẫn dắt ta vào những chỗ sâu sắc, bí ẩn của thế giới xung quanh, từ sông ngòi, rừng núi cho tới vũ trụ bao la. Sách đưa ta vào những thế giới cực lớn, như thiên hà, hoặc cực nhỏ, như thế giới của các hạt vật chất.
Sách đưa ta vượt qua thời gian, tìm về với những biến cố lịch sử xa xưa hoặc chắp cánh cho ta tưởng tượng tới ngày mai, hoặc hiểu sâu hơn hiện tại.

Sách văn học đưa ta vào thế giới của những tâm hồn người đủ các thời đại để ta thông cảm với những cuộc đời, chia sẻ những niềm vui, nỗi đau dân tộc và nhân loại.

Sách đem lại cho con người những phút giây thư giãn trong cuộc đời bận rộn, bươn chải. Sách làm cho ta được thưởng thức những vẻ đẹp của thế giới và con người. Sách cho ta hưởng vẻ đẹp và thú chơi ngôn từ, giúp ta biết nghĩ những ý hay, dùng những lời đẹp, mở rộng con đường giao tiếp với mọi người xung quanh.

Sách là báu vật không thể thiếu đối với mỗi người. Phải biết chọn sách mà đọc và trân trọng, nâng niu những cuốn sách quý.

(Theo Thành Mĩ)